Động thái của Iran được cho là nhằm ngăn chặn bất cứ hoạt động di chuyển nào của tàu chiến Mỹ qua khu vực.
Sau khi Mỹ đưa ra hàng loạt lời đe dọa với chính quyền Tehran, quân đội Iran đã cho điều động hàng chục hệ thống tên lửa bao gồm hệ tên lửa phòng không và tên lửa phòng thủ bờ biển tới dọc eo biển Hormuz.
Tổ hợp tên lửa đất đối không Khordad 15 của Iran. Ảnh: AP |
Với phạm vi hẹp của eo biển Hormuz, Iran có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hoạt động lưu thông trong khu vực. Đáng nói, Iran hiện sở hữu nhiều hệ thống phòng không tầm xa có thể tiêu diệt chiến đấu cơ và máy bay không người lái (UAV) trong bán kính 180 – 200 km.
Động thái của Iran được cho là nhằm ngăn chặn bất cứ hoạt động di chuyển nào của tàu chiến Mỹ qua khu vực. Việc đưa hàng chục hệ thống tên lửa tới eo biển Hormuz cũng phần nào chứng minh quan điểm cứng rắn của Iran trong việc sẵn sàng đối đầu với Mỹ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Được biết, trước đó, hôm 1/4, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Iran sẽ phải "trả giá cực đắt" nếu cố tình tìm cách tấn công vào quân đội hoặc tài sản của Mỹ ở Iraq.
Vào sáng cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho hay, Tehran xem “sự hiếu chiến” của quân đội Mỹ ở Iraq là nguy hiểm và có thể tạo ra “những yếu tố thảm khốc” gây bất ổn cho khu vực.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Iran điều động hàng chục hệ thống tên lửa tới eo biển Hormuz cùng sự xuất hiện của tổ hợp Patriot của Mỹ ở Iraq đang đẩy quan hệ Mỹ - Iran vào vòng xoáy căng thẳng lần thứ hai trong năm nay.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xuống dốc trong nhiều thập kỷ, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Mỹ đã cáo buộc các lực lượng do Iran hậu thuẫn tấn công bằng rocket trong ngày 11/3, khiến 2 binh sỹ Mỹ và 1 binh sỹ Anh ở Iraq thiệt mạng. Một ngày sau đó, Mỹ đã trả đũa bằng việc không kích các tay súng Kata'ib Hezbollah ở Iraq.
Vũ Đậu (T/h)