Ngày 01/6, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận đã bắt được Triệu Quân Sự, phạm nhân trốn khỏi trại giam ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa chiều 31/5.
Vào chiều 31/5, Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam của Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Đây là lần thứ 3 tù nhân này vượt ngục.
Đối tượng Triệu Quân Sự đã bị bắt.
Trước đó, Sự đang chấp hành bản án chung thân về các tội Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ, Trốn khỏi nơi giam và Trộm cắp tài sản.
Về hướng xử lý, trao đổi với PV, Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi trốn khỏi trại giam khi vẫn đang phải chấp hành án phạt tù của Triệu Quân Sự là 1 hành vi nguy hiểm, gây mất an toàn trật tự cho xã hội, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Trước khi thực hiện hành vi trốn khỏi trại giam thì Triệu Quân Sự đang chấp hành án tù chung thân. Thời gian chấp hành án vẫn còn. Do vậy thời gian tới Sự vẫn phải tiếp tục thụ án tại trại giam.
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín.
Theo quan điểm của Luật sư Hiền: Việc Sự trốn khỏi trại giam lần này là vi phạm pháp luật hình sự, đã cấu thành tội Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử, theo quy định tại Điều 386, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Sự đang chấp hành bản án tù chung thân nhưng lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, nên khi xét xử tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội danh mới. Sau đó, HĐXX sẽ tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung”, Luật sư Hiền cho hay.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 55 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội: “nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân”.
Về phía trại giam, quan điểm của Luật sư Hiền cho rằng: Việc để cho Sự trốn khỏi trại giam thì những người liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 376 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt người bị tạm giữ, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng qua định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn”, Luật sư Hiền cho biết.
T.V