(ĐSPL) – Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH đã thống nhất phương án sáp nhập các trung tâm Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Liên quan đến việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng quyền hạn của Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất với Chính phủ phương án sáp nhập các trung tâm cấp huyện. Cụ thể:
Tên gọi của trung tâm: “Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên”, cơ quan quản lý trực tiếp là UBND cấp huyện.Cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Về tổ chức hoạt động của trung tâm: Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với chức năng dạy nghề, giới thiệu việc làm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chức năng giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.
Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên sẽ do 2 bộ quản lý. |
Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền sáp nhập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Về việc ban hành văn bản hướng dẫn vấn đề liên thông trong đào tạo từ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên lên cấp trình độ cao hơn, hiện nay, việc tổ chức đào tạo liên thông trong hệ thống dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 53/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 6/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ dạy nghề và Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.