Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá khẩu trang, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức.
Giá khẩu trang tăng mạnh trong những ngày gần đây - Ảnh: Tiền phong |
Sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Năng xuất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Theo đó, bộ Công Thương phối hợp bộ Y tế theo dõi tình hình thị trường cung cầu trong nước về khẩu trang, nước sát trùng, nước súc miệng; đôn đốc tăng cường sản xuất khẩu trang y tế, ưu tiên thị trường trong nước, quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng chống găm hàng, đầu cơ, thu lợi bất chính.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang gặp một số khó khăn bởi nguyên liệu sản xuất khẩu trang chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, đại diện bộ Công Thương đề nghị bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan, Chi cục hải quan các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các lô hàng sản xuất vật phẩm chống dịch, trước mắt là nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nhập khẩu từ các nước khác như Malaysia.
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang khác nhau để phòng chống dịch, bệnh nCoV. Khẩu trang y tế ưu tiên khi làm việc tại các cơ sở y tế, ưu tiên những chỗ đông người như nhà ga, sân bay… Do đó, người dân có thể sử dụng khẩu trang vải, giặt thường xuyên bằng xà phòng, phơi khô đều có thể sử dụng được”.
Thứ trưởng bộ Y tế khuyến nghị, người dân có làm sạch tay bằng nước, xà phòng thông thường vẫn đảm bảo an toàn. “Những trường hợp tiếp xúc với các vật lạ, đặc biệt, người dân nên rửa tay bằng các dung dịch rửa tay, kháng khuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến tình hình sản xuất khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác.
“Bất cứ hiệu thuốc, siêu thị tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành Y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông không nhận bưu kiện, chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng… ra nước ngoài.
Phó Thủ tướng đề nghị, bộ Công Thương chỉ đạo, xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch nCoV, đảm bảo sức khoẻ người dân được đảm bảo, không để lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 31/1, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
“Không niêm yết cũng bị xử phạt, còn niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10- 15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định Thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.
Quỳnh Chi (T/h)