Dọc mùng là nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn như canh chua, bún bung, canh cá, sườn hầm… với vị thanh mát và kết cấu giòn ngon.
Tuy nhiên, không ít người ngại chế biến loại thực phẩm này vì dễ gây ngứa da tay khi sơ chế hoặc ngứa miệng, họng khi ăn. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể áp dụng những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây.
Dọc mùng cần sơ chế kỹ tránh ngứa.
Cách sơ chê dọc mùng không bị ngứa tay
1. Dùng nước muối
Một trong những cách ngăn ngừa ngứa tay khi sơ chế dọc mùng là rửa bằng nước muối. Nếu không có găng tay hoặc không quen dùng găng, bạn có thể làm theo các bước sau:
Bước 1: Rửa sạch dọc mùng để loại bỏ bụi bẩn.
Bước 2: Tước bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài như cách tước vỏ chuối.
Bước 3: Cắt bỏ phần cong bên trong của dọc mùng, sau đó thái vát để dễ vắt nước và thấm gia vị hơn.
Bước 4: Rắc một thìa muối hạt lên dọc mùng đã thái, trộn đều và để khoảng 15 phút. Cách này giúp giảm bớt chất gây ngứa.
Bước 5: Cho dọc mùng vào chậu nước, vò nhẹ rồi vắt ráo nước.
Bước 6: Đun sôi một nồi nước, chần dọc mùng trong 2-3 phút để loại bỏ hoàn toàn chất gây ngứa.
Bước 7: Ngâm dọc mùng trong nước muối đậm một lần nữa, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
Lưu ý: Nếu muốn giảm tiếp xúc với dọc mùng, bạn có thể rửa dưới dòng nước chảy thay vì ngâm tay vào chậu nước.
Dọc mùng có thể nấu đc nhiều món ngon.
2. Dùng giấm
Ngoài muối, bạn cũng có thể dùng giấm trắng để làm sạch dọc mùng mà không lo bị ngứa. Giấm có tính axit nhẹ giúp loại bỏ chất gây kích ứng trên bề mặt dọc mùng.
Cách làm:
• Hòa một chút giấm vào nước sạch rồi rửa dọc mùng như bình thường.
• Sau đó, tiếp tục ngâm với nước sạch và chần qua nước sôi để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Cách giảm ngứa khi lỡ tiếp xúc trực tiếp với dọc mùng
Nếu chẳng may bị ngứa tay sau khi sơ chế dọc mùng, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản để làm dịu cảm giác khó chịu:
- Thoa sữa tươi: Đổ một ít sữa tươi lên tay, thoa đều và rửa lại bằng nước sạch. Sữa giúp làm dịu da và giảm cảm giác ngứa nhanh chóng.
- Dùng đường: Cho một ít đường vào lòng bàn tay, chà nhẹ đến khi đường tan hết, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
- Hơ nóng: Nếu ngứa nhiều, bạn có thể hơ tay qua ngọn lửa nhỏ (chẳng hạn như bếp ga) hoặc dùng khăn ấm chà nhẹ lên vùng da bị ngứa. Độ nóng sẽ giúp làm dịu cảm giác khó chịu.
- Uống nước ấm: Nếu bị ngứa miệng sau khi ăn dọc mùng, hãy uống một ít nước ấm để làm dịu cơn ngứa.
- Súc miệng với nước muối gừng: Giã nát một ít gừng tươi, hòa với nước muối loãng rồi súc miệng. Cách này rất hữu hiệu để giảm ngứa họng.
Lưu ý: Nếu tình trạng ngứa kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh dị ứng nặng hơn.