Theo RT, đầu ngày 14/7 (giờ địa phương), nhiều kênh Telegram thông tin về vụ nổ lớn được nghe thấy trên bầu trời “thành phố nguyên tử” Kurchatov của Nga - một trung tâm công nghiệp nằm sát ngay nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Các nguồn tin cũng tiết lộ, người dân địa phương đã tìm thấy thứ trông giống các bộ phận của máy bay không người lái trên mặt đất. Theo kênh SHOT, cửa sổ một số ngôi nhà bị vỡ, hệ thống phòng không Nga cũng được kích hoạt.
Thành phố Kurchatov thuộc vùng Kursk của Nga, giáp với Ukraine. Nhà máy điện hạt nhân Kursk cách khu vực đô thị khoảng 4km. Công ty Energotex chuyên sản xuất thiết bị cho lò phản ứng hạt nhân cũng có trụ sở tại thành phố Kurchatov.
Văn phòng của Nhà máy điện hạt nhân Kursk ở Kurchatov (Nga). Ảnh: Sputnik
RT thông tin, một “vụ nổ mạnh” khác đã được ghi nhận tại thành phố Voronezh, thủ phủ của vùng cùng tên tại phía Đông Kursk.
Các khu vực biên giới Kursk, Bryansk và Belgorod của Nga thường xuyên bị nã pháo và tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, mới đây, RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, Moscow không thể phớt lờ khả năng hạt nhân của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế, có thể được các nước phương Tây viện trợ cho Kiev.
Chia sẻ với Lenta.ru trong cuộc phỏng vấn hôm 12/7, ông Lavrov cảnh báo rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine, “Mỹ và các nước đồng minh trong NATO tạo ra nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga và điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”.
XEM THÊM: Hàn Quốc đơn phương trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa Hwasong-18
Theo Ngoại trưởng Nga, kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine là một ví dụ khác về động thái leo thang của phương Tây, cũng là “một diễn biến vô cùng nguy hiểm”. Nga đã thông báo đến các cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh và Pháp rằng Moscow “không thể phớt lời khả năng mang vũ khí hạt nhân của những máy bay này”.
Ông Lavrov cũng nói, không có đảm bảo nào của phương Tây sẽ giúp ích trong vấn đề này. Trong bối cảnh giao tranh, quân đội Nga sẽ không điều tra xem liệu có bất kỳ máy bay phản lực nào được trang bị để mang vũ khí hạt nhân hay không.
“Việc xuất hiện các loại vũ khí như vậy trong lực lượng vũ trang Ukraine sẽ bị chúng tôi coi là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, ông cho biết.
Đinh Kim (Theo RT)