Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rơi nước mắt trước gia cảnh của em bé đói lả trước khi chết đuối

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Gia cảnh vốn khó khăn, đến lúc nằm xuống, bố mẹ em em Phạm Thị Nhung (SN 2004) cũng chỉ có thể nhờ vào hàng xóm láng giềng để lo trọn vẹn tang lễ.

(ĐSPL) - Buổi trưa định mệnh trên đường đi học về, em Phạm Thị Nhung (SN 2004) trú tại thôn 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã không may rơi xuống cầu và chết đuối đầy thương tâm. Gia cảnh vốn khó khăn, đến lúc nằm xuống, bố mẹ em cũng chỉ có thể nhờ vào hàng xóm láng giềng để lo trọn vẹn tang lễ.

Đến lúc mất vẫn chưa hết khổ

Chúng tôi tìm đến gia đình em Phạm Thị Nhung vào một buổi chiều, sau ngày em gặp nạn. Trong ngôi nhà trống hoắc không có vật dụng gì đáng giá, không khí tang thương đang bao trùm lên mọi ngóc ngách. Bố mẹ em là anh Phạm Hồng Vân (SN 1976) và chị Lê Thị Quý (SN 1978) đang ngồi thẫn thờ trên giường, hướng mắt về bàn thờ con đứa con gái nhỏ. Chị Quý chốc chốc lại đến bên bàn thờ con gái, nhìn di ảnh con mà gào khóc đến thảm thương. Kế đó, em gái 8 tuổi cũng đang khóc rấm rức khi nghĩ đến chị. Cũng như bao ngày khác khi đi học về nhưng lần trở về nhà hôm ấy đã cướp đi mãi mãi người con, người chị hiền lành, ngoan ngoãn của gia đình.

Gia đình anh Vân bên bàn thờ đứa con gái mới mất.

Kể về hôm xảy ra tai nạn, anh Vân (bố em Phạm Thị Nhung) cho biết: “Hôm đó, sáng ra nhà không có gì ăn nên cháu nhin đói đi học. Đến trưa cô giáo gọi cho gia đình bảo vừa cho Nhung uống hộp sữa , người nhà đón cháu về. Tôi đến đón Nhung nhưng trước đó có đón cả 2 em của Nhung nữa nên tôi đi kèm phía sau. Đến đoạn chân cầu Động, do vừa từ dốc xuống, loạng choạng nên cháu đi vào sát cầu, một bên bàn đạp vướng vào thành cầu, cháu cứ thế ngã cả người, cả xe xuống dòng nước xiết. Tôi có nhanh chóng chạy lại, nhảy xuống nhưng không kịp nữa”. Nói đoạn, anh Vân buồn rầu, nghèn nghẹn lau đi dòng nước mắt đang rỉ dài trên má…

Nỗi buồn đau hằn rõ trên khuôn mặt anh Vân và con gái thứ hai.

Đến 12h trưa ngày 25/9, xác của cháu được tìm thấy, gia đình đau đớn đưa con về lo hậu sự. Trong chiều hôm ấy, điều khiến người ta đau xót nhất là cháu mất đi mà trong nhà không còn nổi thứ gì để lo cho cháu được trọn vẹn. Hầu như quần áo của Nhung đều là đồ thừa được người khác cho, dép cũng đã bị cuốn trôi vào buổi trưa định mệnh đó, nên đến một bộ quần áo lành lặn mặc cho cháu khi khâm liệm bố mẹ cũng chẳng thể lo được. Thương hoàn cảnh của gia đình, bà con làng xóm đã mỗi người góp một ít để tang lễ của cháu được chu tất. Người mua cho Nhung bộ quần áo mới, người tặng cháu đôi dép, người hỗ trợ dăm ba cân gạo, quả trứng để nấu cơm cúng cháu, rồi không ai bảo ai tất thảy mọi người cùng đóng góp mua cho cháu chiếc quan tài để đưa cháu về với tiên tổ.

Làm mãi cũng chẳng thể đủ ăn

Được biết, em Phạm Thị Nhung là con gái đầu trong một gia đình có 4 chị em. Sau Nhung còn có 2 em gái và 1 em trai. Gia đình anh Vân vốn thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay, anh chị lại làm nông nên cố gắng mãi cái ăn cái mặc vẫn chẳng đủ. Trong nhà, Nhung là cô chị ngoan ngoãn, lễ phép, luôn dành thời gian giúp đỡ bố mẹ trông em và chăn bò cho bà ngoại. Dù sức khỏe yếu do mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ nhưng thương bố mẹ, em luôn cố gắng tự lập trong mọi việc. Sự việc xảy ra là nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình anh Vân chị Quý.

Căn bệnh tim khiến cho cơ thể Nhung ốm yếu hơn các bạn đồng trang lứa nên năm nay em mới học lớp 3. Trước đó, vào năm 2010, một tổ chức từ thiện cũng đã hỗ trợ cho cháu được mổ tim, nhưng do nhà nghèo, thiếu ăn thiếu mặc quanh năm nên dù đã 10 tuổi nhưng cháu vẫn thấp bé nhẹ cân.

Vốn không được học hành đàng hoàng nên anh Vân, chị Quý đều mù chữ, trí tuệ cũng có phần hạn chế hơn những người khác. Chị Quý lại bị bệnh tim sức yếu hèn nên trụ cốt chính và duy nhất của gia đình đặt nặng lên đôi vai anh Vân. Để lo cái ăn, cái mặc qua ngày cho gia đình với 6 miệng ăn, ngoài canh tác với 3 sào ruộng, anh Vân còn làm thuê, làm mướn kiếm thêm tiền. Vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng cái nghèo cái đói vẫn bủa vây lấy gia đình anh.

Ngôi nhà tình nghĩa được cộng đồng giúp đỡ xây dựng là nơi cả gia đình sinh sống.
Mọi khoản chi tiêu của gia đình trông chờ vào 180.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của cháu Nhung và những ngày công ít ỏi từ nghề phụ hồ, chăn dắt bò thuê của anh Vân. Được biết, ngôi nhà mà gia đình anh chị đang trú ngụ là ngôi nhà tình nghĩa mà cộng đồng giúp đỡ xây nên vào năm 2010. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài 3 chiếc nồi có khi cả tháng không sử dụng đến. Để sống qua ngày, bữa ăn của gia đình nghèo ấy cũng chỉ có thể là cơm nhút, vừng lạc không hơn.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình anh Vân, bà Trần Thị Sâm, hàng xóm cho biết: “Nhà chúng nó nghèo lắm, khổ lắm. Ruộng thì hết mùa rồi, trâu bò không, lợn gà không, chỉ có chú Vân dăm bữa nửa tháng đi làm được một hôm nên tiền cũng bữa đực bữa cái. Đến hôm qua làm đám tang cho cháu mà gia đình cũng có gì đâu. Giờ hoàn cảnh thế này chỉ mong các nhà hảo tâm quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình chú Vân vượt qua được khó khăn.”

Mất đi một người con, cái đói vẫn tiếp tục bám lấy, cái khổ cái đau cứ thế lại chồng chất lên nhau mà hành hạ gia đình anh Vân. Rồi đây, để những đứa con còn lại của anh chị không phải trải qua những tháng ngày đói ăn, đói mặc, gia đình nghèo đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng.

Bấm vào dưới đây để xem clip:

Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:

- Anh Phạm Hồng Vân, chị Lê Thị Quý

Thôn 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh

- Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung:

Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

Tin nổi bật