(ĐSPL) - Chồng bị tâm thần không có khả năng lao động, hơn 15 năm nay chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Linh Trù, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) làm trụ cột gia đình, cáng đáng thay chồng mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1969) nên duyên vợ chồng với anh Trần Văn Nham (SN 1968) đến nay đã 23 năm. Năm 2001, đồn biên phòng hỗ trợ 4 trụ sắt ở 4 góc nhà, anh chị vay mượn khắp nơi mới xây được ngôi nhà nhỏ làm nơi trú ngụ của cả gia đình. Nhìn căn nhà nơi gia đình anh chị đang ở, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, chẳng khác gì một túp lều vỏn vẹn 15m2. Trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá.
Căn nhà nơi gia đình anh chị trú ngụ |
Bất hạnh bất ngờ ập đến, 7 năm sau khi kết hôn, anh Nham đột ngột phát bệnh nặng, có triệu chứng rối loạn tinh thần. Từ đó đến nay, anh Nham không còn khả năng lao động nữa. Kể về bệnh tình của chồng, chị Hương xót xa: “Anh ấy hôm nào nhẹ còn nằm một chỗ thế này, lúc lên cơn nặng lại đập phá đồ đạc trong nhà, thỉnh thoảng đánh cả vợ con. Gia đình cũng vay mượn tiền đưa anh đi điều trị khắp các bệnh viện ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Giờ anh cũng không làm gì được nên chỉ mong anh ngồi yên một chỗ, không đập phá là mừng rồi”.
Người chồng ngồi ngơ ngẩn trên giường |
Vì gia cảnh quá khó khăn nên ba đứa con của anh chị đều phải bỏ dở việc học giữa chừng. Em Trần Thị Hoa (SN 1994) và Trần Thị Hải (SN 1995) nghỉ học từ năm lớp 6 và làm giúp việc ở Hà Nội, mong kiếm được tiền đỡ đần gánh nặng cho mẹ. Hiện, ở nhà có em Trần Thị Mai (SN 1998) và Trần Văn Hiếu (SN 2007). Hiếu có biểu hiện của thiểu năng trí tuệ, nhận thức có phần hạn chế.
Tuy nghèo khó, vất vả là thế nhưng chị Hương vẫn cố gắng cho Hiếu được đến trường. Chị Hương ngậm ngùi chia sẻ: “Nhận thức của cháu không được bình thường như bao đứa trẻ khác nên khổ mấy tôi cũng gắng cho cháu tới lớp. Cháu đi học nhưng cũng chẳng biết gì, nhiều lúc cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chỉ mong đến trường cháu sẽ sớm hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa”.
Gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Cả gia đình giờ chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và số tiền trợ cấp ít ỏi cho người bị rối loạn tinh thần. Làm ruộng vất vả nhưng chẳng đủ ăn nên ngoài vụ mùa, chị Hương tranh thủ đạp xe cách nhà hơn 15km để tìm kiếm những cây thuốc nam có giá trị. Sau đó, chị đem bán cho các hiệu thuốc với giá vài chục ngàn đồng.
Những lúc anh Nham phát bệnh nên không đi xa được, chị Hương lại tất bật đi bán ít bắp ngô ở các chợ gần nhà, chỉ mong kiếm thêm vài đồng mua thức ăn cho chồng con. Vất vả, cực khổ là vậy nhưng chị vẫn vì các con vững vàng làm trụ cột cho gia đình. Số tiền chị vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghi Xuân, mượn của bà con họ hàng nay đã hơn 50 triệu đồng. Nhiều đêm chị trăn trở, làm sao để trả hết nợ khi mà cả đời chị dù cực nhọc mưu sinh cũng chẳng đủ ăn.
Vừa đi chợ về, chị Hương vội bế đứa con đang khóc vì đói |
Trong căn nhà lụp xụp, người chồng ngồi ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đứa con khóc vì đói. Người mẹ vừa đi chợ về, vội lau mồ hôi vào bế con. Chị vừa bán chịu lỗ ít bắp ngô còn lại để nhanh về với gia đình nhỏ của mình. Giờ đây, bốn miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào mỗi chị.
Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, anh Nguyễn Thành Luân, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Xuân Liên chia sẻ: “Nhìn cảnh gia đình anh Nham, chị Hương không ai cầm được nước mắt. Thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, là một trong những hộ gia đình khó khăn nhất ở đây, nên xã luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Sắp tới xã sẽ vận động quyên góp từ nhiều nguồn lực để xây nhà tình thương cho gia đình anh chị. Mong rằng với tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ gia đình anh chị vượt lên số phận”.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: - Chị Nguyễn Thị Hương Thôn Linh Trù, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung: Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung. |