Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của Nga, ngày 14/7 (giờ địa phương) đã công bố bức thư họ gửi cho các khách hàng châu Âu từ trước đó 1 tháng, nói rằng việc ngừng cung cấp khí đốt là điều 'bất khả kháng', 'nằm ngoài tầm kiểm soát' của họ. Bức thư được công bố vào thời điểm đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đang được bảo trì và sẽ hoàn tất công việc này vào ngày 21/7 tới.
Bức thư làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng Moscow có thể không khởi động lại đường ống dẫn khí trên để trả đũa các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Động thái này có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ đẩy khu vực vào suy thoái.
Gazprom đã viết thư gửi khách hàng châu Âu nói rằng việc ngừng cung cấp khí đốt là trường hợp 'bất khả kháng'. Ảnh: Reuters
Theo điều khoản, 'bất khả kháng' là tiêu chuẩn trong các hợp đồng kinh doanh, chỉ những trường hợp 'bất thường' có thể giúp một bên không phải chịu các nghĩa vụ pháp lý của họ. Reuters lưu ý, tuyên bố này không nhất thiết là Gazprom sẽ ngừng giao hàng nhưng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng các điều khoản hợp đồng vì trường hợp 'bất khả kháng'.
Hiện công ty chưa đưa ra bình luận về báo cáo của Reuters.
Được biết, nguồn cung khí đốt của Nga thông qua các tuyến đường chính trong một số tháng, bao gồm cả qua Ukraine và Belarus cũng như thông qua đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic, đã bị cắt giảm kể từ khi xung đột nổ ra.
Một nguồn giao dịch giấu tên cho biết việc cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream 1 là một trường hợp 'bất khả kháng'.
Ông Hans van Cleef, nhà kinh tế năng lượng cao cấp tại ABN Amro nhận xét: "Điều này có vẻ như là một gợi ý đầu tiên rằng nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 có thể sẽ được nối lại sau khi kết thúc thời hạn bảo trì 10 ngày".
Ông nói thêm: "Tùy thuộc vào những điều kiện 'bất thường' nào có thể được đưa ra để tuyên bố điều kiện bất khả kháng và cho dù những vấn đề này mang tính kỹ thuật hay chính trị, nó có thể được coi là bước leo thang tiếp theo giữa Nga và Châu Âu, đặc biệt là Đức".
Ông Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, là một trong những khách hàng đã nhận được một lá thư và coi tuyên bố của Gazprom là vô lý. RWE, nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức và là nhà nhập khẩu khí đốt khác của Nga, cũng cho biết họ đã nhận được thông báo về trường hợp 'bất khả kháng'.
Công ty cho biết: "Vui lòng hiểu rằng chúng tôi không thể bình luận về các chi tiết của nó hoặc ý kiến pháp lý của chúng tôi".
Một cơ sở trên hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức ngày 8/3. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Gazprom cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống 40% vào ngày 14/6, ngày mà họ viết trong lá thư gửi các khách hàng châu Âu về trường hợp 'bất khả kháng'. Theo đó, Gazprom đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt cho việc cắt giảm nàym với lý do nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy chậm trả lại tuabin khí sau khi bảo trì ở Canada.
Ngày 17/7, Canada đã gửi tuabin cho đường ống đến Đức bằng máy bay sau khi công việc sửa chữa hoàn tất.
Báo cáo cho biết sẽ mất 5-7 ngày nữa để tuabin tới Nga với điều kiện không có vấn đề gì về hậu cần và hải quan. Hôm 18/7, Bộ Kinh tế Đức nói rằng họ không thể cung cấp thông tin chi tiết về vị trí hiện tại của tuabin.
Nhưng một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết đây là một bộ phận thay thế chỉ được sử dụng từ tháng 9, có nghĩa là sự thiếu vắng của tuabin này không phải lý do thực sự dẫn đến sự sụt giảm dòng khí trước khi bảo trì.
Tập đoàn dầu khí Áo OMV ước tính việc cung cấp khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 sẽ tiếp tục như kế hoạch sau thời gian ngừng hoạt động để bảo trì.
Ông Zongqiang Luo, nhà phân tích khí đốt tại công ty tư vấn Rystad Energy nhận xét: "Hiện chưa rõ hành động tiếp theo của Gazprom nhưng tuyên bố sẽ không có tác động đáng kể đến bối cảnh hiện tại".
Liên minh châu Âu trước đây từng đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột hiện tại ở Ukraine, khối này đang gấp rút tìm một nguồn cung khí đốt thay thế để chấm dứt sự phụ thuộc vào Moscow.
Đối với Moscow và đối với Gazprom, các dòng năng lượng là một nguồn thu quan trọng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động quân sự đặc biệt gây căng thẳng cho tài chính của Nga.
Theo Bộ Tài chính Nga, ngân sách liên bang đã thu về 6,4 nghìn tỷ rúp (114,29 tỷ USD) từ việc bán dầu và khí đốt trong nửa đầu năm. Con số này gần bằng con số 9,5 nghìn tỷ rúp thu nhập được Nga đặt mục tiêu cho cả năm 2022.
Minh Hạnh (Theo Reuters)