Kho chứa khí đốt tự nhiên lớn nhất của Đức nằm trải dài bên dưới một vùng đất nông nghiệp có kích thước bằng 9 sân bóng đá ở miền Tây của đất nước. Khu vực này đã trở thành một 'mặt trận' trong nỗ lực của châu Âu để tự bảo vệ mình trước một cuộc khủng hoảng khí đốt đang rình rập do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Kể từ tháng 5, chính phủ Đức đã nhanh chóng bơm nhiên liệu vào khu vực rộng lớn ở Rehden, với hy vọng sẽ lấp đầy các kho dự trữ kịp thời cho mùa đông, khi nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao để sưởi ấm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất ở Rehden, Đức. Ảnh: Getty
Tình cảnh này đang diễn ra tại các cơ sở lưu trữ nhiên liệu trên khắp lục địa, trong bối cảnh cuộc tranh cãi về việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga quá nhiều đang ngày càng leo thang do xung đột ở Ukraine.
Để đáp trả lệnh trừng phạt và việc các nước này hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Gazprom, gã khổng lồ năng lượng do nhà nước Nga kiểm soát, hồi cuối tháng 6 đã cắt giảm 60% lượng khí đốt mà họ cung cấp qua Nord Stream 1, một đường ống quan trọng vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức và các nước khác ở châu Âu.
Theo đó, Đức đã kích hoạt giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 bước của họ, với lý do nguồn cung khí đốt tự nhiên đang suy giảm. Giai đoạn cuối cùng của kế hoạch có thể bao gồm phân phối khí. Bộ trưởng Kinh tế Đức Rober Habeck hồi cuối tháng 6 cảnh báo: "Ngay cả khi bạn chưa cảm thấy điều đó nhưng chúng ta thật sự đang gặp khủng hoảng khí đốt".
Động thái của Nga đã tăng thêm tính cấp thiết cho các nỗ lực ở Đức, ở Ý và các nơi khác nhằm tích trữ lượng khí đốt tồn kho để kiểm soát giá cả ở tầng bình lưu, giảm đòn bẩy chính trị của Moscow và tránh nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông này. Các hành động của Gazprom cũng đã buộc nhiều quốc gia phải nới lỏng các hạn chế đối với các nhà máy điện đốt than, một nguyên nhân gây ra khí thải nhà kính.
Ông Henning Gloystein, giám đốc của Eurasia Group, một công ty về rủi ro chính trị, nhận xét: "Nếu các cơ sở lưu trữ không được lấp đầy vào cuối mùa hè, thị trường sẽ coi đó là một cảnh báo về nguy cơ tăng giá đột biến hoặc thậm chí là thiếu hụt năng lượng".
Giá xăng trong năm nay đã tăng lên mức cao kỷ lục, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính của Đức, Christian Lindner, đã cảnh báo rằng chi phí năng lượng cao đang đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính phủ đã kêu gọi người tiêu dùng cùng các công ty tiết kiệm khí đốt.
Ông Linder cảnh báo: "Có rủi ro về cuộc khủng hoảng kinh tế do sự tăng mạnh trong giá nhiên liệu. Nguyên nhân của việc này là bởi vấn đề trong chuỗi cung ứng và lạm phát".
Giá xăng trong năm nay đã tăng cao đột biến, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Getty
Các kế hoạch đã được vạch ra để đối phó với một cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm ngoái. Một đợt lạnh giá vào cuối mùa đông đã tiêu tốn nguồn dự trữ khí đốt và Gazprom đã tuyên bố ngừng cung cấp thêm nguồn cung khí đốt bên ngoài hợp đồng được ký kết. Các cơ sở lưu trữ thuộc sở hữu của Gazprom ở Đức, bao gồm cả căn hầm khổng lồ dưới lòng đất ở Rehde, mà chính phủ Đức đã kiểm soát vào tháng 4, đã giảm tới mức gần như trống rỗng.
Để tránh lặp lại tình cảnh như năm ngoái và để đảm bảo chuỗi cung ứng, từ tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nước thành viên tích trữ khí đốt, đảm bảo ít nhất 80% công suất, tới ngày 1/11 tới. Đến cuối tháng 6, các nước thành viên đã đạt được tiến độ tốt trong quá trình này, thời điểm ấy, lượng khí đốt của Liên minh châu Âu đã đạt công suát khoảng 55%.
Cơ sở lưu trữ khổng lồ ở Rehden đã được lấp đầy hơn 12%, nhưng ở cả nước Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, lượng nhiên liệu tích trữ tổng thể là 58%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước khác, bao gồm Pháp và Ý, cũng đang tích trữ nhiên liệu ở mức tương tự, trong khi Tây Ban Nha đã đạt tỷ lệ 77%.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, dù mức lưu trữ khí đốt vẫn đang tăng lên, các khoản cắt giảm của Gazprom vẫn khiến các mục tiêu đó bị nghi ngờ và đe dọa một cuộc khủng hoảng vào mùa đông tới.
Ông Massimo Di Odoardo, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu khí đốt của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn, cho biết nếu Nord Stream 1 bị đóng cửa hoàn toàn, Châu Âu có thể cạn kiệt lượng khí dự trữ vào tháng 1/2023.
Cơ sở đường ống Nord Stream 2 ở Đức, vốn đã bị đóng cửa vô thời hạn do xung đột tại Ukraine. Ảnh: Getty
Do đó, các chính phủ Đức, Hà Lan và Áo đều đã thực hiện các bước để cố gắng đảm bảo khí đốt, một phần bằng cách chuyển sang các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa hoặc được lên kế hoạch ngừng hoạt động. Các động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng nỗ lực của Liên minh Châu Âu về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ bị chệch hướng.
Tim Boersma, giám đốc thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: "Điều này không phù hợp với luận điệu về môi trường trong những năm gần đây".
Chính phủ Hà Lan tiếp tục phản đối các lời kêu gọi từ một số khu vực nhằm tăng sản lượng tại Groningen, một mỏ khí đốt khổng lồ đang bị ngừng hoạt động vì hoạt động sản xuất ở đó đã gây ra động đất.
Còn tại Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz đã từ chối xem xét việc duy trì hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân. Các lò phản ứng dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay như một phần trong nỗ lực từ bỏ năng lượng hạt nhân của đất nước.
Hai năm trước, Đức đã quyết định loại bỏ dần các nhà máy điện đốt than vào năm 2038, trong mục tiêu không tạo ra carbon vào năm 2045. Nhưng tuần trước, ông Habeck, một thành viên của đảng Greens, tuyên bố rằng chính phủ sẽ tạm thời đảo ngược những nỗ lực đó để thích ứng với nguy cơ cắt giảm khí đốt.
Đối với RWE, một nhà cung cấp năng lượng lớn ở Đức, sự đảo ngược này sẽ là sự cứu vãn ba nhà máy dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào tháng 9. Các nhà máy đốt than là dạng nhiên liệu gây ô nhiễm nhất. Công ty hiện đang cố gắng tìm đủ nhân viên để duy trì hoạt động của các nhà máy.
Minh Hạnh (Theo New York Times)