Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 10/11 (giờ địa phương) cho biết, thách thức lớn nhất mà các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đối mặt hiện nay là làm giảm lạm phát.
Phát biểu tại một hội nghị ở Washington, bà Georgieva cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên áp dụng các biện pháp có mục tiêu để giảm giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, đồng thời tránh các bước có thể thúc đẩy lạm phát hoặc làm chệch hướng chính sách tiền tệ.
Logo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bên ngoài tòa nhà trụ sở chính ở Washington, Mỹ, ngày 4/9/2018. Ảnh: Reuters.
Bà Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cho biết, đồng USD hiện đang tăng mạnh và ở mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm. Ngoài ra, những lo ngại về sự dễ tổn thương của hệ thống tài chính cũng đặt ra những thách thức lớn trong môi trường hiện tại và "không có chỗ cho những bước đi sai lầm".
"Có một con đường rất hẹp để mọi thứ đi đúng hướng", bà Gopinath nói, đồng thời lưu ý rằng sự tăng giá mạnh của đồng USD có ý nghĩa kinh tế vĩ mô quan trọng đối với một loạt quốc gia trên thế giới.
Bà Gopinath cho biết thêm, các nhà hoạch định chính sách cần phải theo dõi cẩn thận các lỗ hổng tiềm ẩn trong nền kinh tế, lưu ý rằng dữ liệu về rủi ro với sự ổn định tài chính do các đòn bẩy trong các tổ chức tài chính phi ngân hàng gây ra đang thiếu trầm trọng.
Một thách thức lớn khác được bà Gopinath đề cập là nguy cơ phân mảnh địa kinh tế đang gia tăng. Theo phó tổng giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng "đáng kể" rủi ro này.
"Điều đó không có nghĩa là toàn bộ việc giao thương sẽ sụp đổ, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ vẽ lại bản đồ thương mại toàn cầu - về việc ai giao dịch với ai", bà Gopinath cho hay, đồng thời cũng lưu ý rằng hơn 30 quốc gia đã hạn chế thương mại lương thực, năng lượng và các mặt hàng quan trọng khác kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2.
Bích Thảo (Theo Reuters)