Ngày 16/10 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo nếu chính quyền liên bang không có một vài biện pháp hỗ trợ, các bệnh viện nước này sẽ phá sản vì giá năng lượng và lạm phát cao.
Cụ thể, trong cuộc trao đổi với đài ARD, ông Lauterbach cho biết: "Nếu chúng ta không hành động một cách nhanh chóng và quyết liệt, sẽ có những bệnh viện phải đóng cửa".
Bệnh viện Đức có nguy cơ phá sản vì khủng hoảng năng lượng. Ảnh: AP
Ông nhấn mạnh các bệnh viện sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh khoản vô cùng nghiêm trọng trong những tháng tới.
Tuần trước, Liên đoàn Bệnh viện Đức đã phàn nàn rằng khoảng chênh lệch tài trợ có thể lên tới khoảng 15 tỷ euro trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, bộ trưởng Y tế Đức đã bác bỏ dự đoán trên, nói rằng không ai có thể biết trước được giá điện có thể sẽ tăng cao như thế nào trong năm tới.
Tuy nhiên, liên đoàn nói rằng chi phí năng lượng gia tăng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền trên. Phần còn lại là "chi phí nguyên liệu tăng không được tái cấp vốn" do lạm phát tăng vọt.
Người đứng đầu ngành y tế Đức dự kiến sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner trong ngày 18/10 để thảo luận về những cơ chế hỗ trợ tiềm năng mà chính phủ có thể cung cấp. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ kế hoạch thành lập một quỹ liên bang đặc biệt dành cho các cơ sở y tế.
Ông chia sẻ: "Ngành y tế đang trong tình trạng đặc biệt nhưng chúng tôi không thể thiết lập một quỹ liên bang độc lập cho từng khu vực".
Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) hồi tuần trước, lạm phát hàng năm của Đức đã tăng lên 2 con số, với 10,9% trong tháng 9. Chủ tịch của Destatis Georg Thiel nhận định lạm phát của Đức đã tăng lên mức "cao nhất mọi thời đại" kể từ khi nước Đức thống nhất do sự gia tăng trong giá năng lượng và thực phẩm.
Các nhà kinh tế hàng đầu của Đức gần đây cảnh báo rằng giá khí đốt tăng vọt có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất EU vào suy thoái. Họ dự báo rằng Đức sẽ nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm tới.
EU hiện cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, với giá khí đốt chạm đỉnh khiến lạm phát chung tăng cao.
Trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, Nga từng là một trong những nhà cung cấp năng lượng chính, chiếm khoảng 40% năng lượng nhập khẩu của EU. Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng từ Nga tới EU đã giảm mạnh trong năm nay, làm trầm trọng thêm "cơn khát" năng lượng trong bối cảnh khối này đang tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào Moscow.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ EnBW AG của Đức hôm thứ Ba đã thông báo rằng giá khí đốt cho các hộ gia đình sẽ tăng khoảng 38%, bắt đầu từ ngày 1/12 tới.
Minh Hạnh (Theo RT)