Theo tờ SCMP, những chuẩn mực xã hội khắt khe và thói quen tránh làm phiền người khác ở Nhật Bản đã khiến nhiều người trẻ phải đối mặt với nỗi cô đơn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy xu hướng ngày càng tăng ở Nhật Bản về việc né tránh các mối quan hệ thân thiết. Đáng chú ý, 45% phụ nữ và 25% nam giới trong độ tuổi từ 16 đến 24 bày tỏ sự thờ ơ hoặc thậm chí là không có hứng thú với tình dục.
Bên cạnh đó, khảo sát năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy hơn 1/4 dân số Nhật Bản ở độ tuổi 30 không có ý định kết hôn. Xu hướng sống một mình ngày càng phổ biến, chiếm 34% trong số các hộ gia đình có người lựa chọn cuộc sống độc thân.
Khách nam có thể trả 3.000 yen (khoảng 500.000 đồng) để được nhân viên nữ tại quán cà phê ru ngủ trong 20 phút. Ảnh: Wenxin
Trong bối cảnh đó, một loại hình dịch vụ đặc biệt đã thu hút sự chú ý: quán cà phê Soineya ở Tokyo. Quán cà phê này cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng được tiếp xúc và đồng hành về mặt cảm xúc với các nữ tiếp viên. Những khách hàng cảm thấy cô đơn có thể trả tiền để trò chuyện và ôm các nữ tiếp viên, những người đóng vai trò như người lạ đồng hành.
Theo Japan Today, quán cà phê này đưa ra mức giá khác nhau cho dịch vụ ngủ trưa. Một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút có giá 3.000 yen (gần 500.000 đồng), trong khi giấc ngủ kéo dài 10 tiếng có giá lên tới 50.000 yen (khoảng 8 triệu đồng).
Bên cạnh đó, quán còn cung cấp các dịch vụ bổ sung như cho phép khách ngả đầu hoặc ôm thân mật nữ tiếp viên trong 3 phút với giá 1.000 yen (khoảng 160.000 đồng). Khách cũng có thể trả mức phí tương tự để được nhìn thẳng vào mắt đối phương trong một phút hoặc được vỗ nhẹ vào lưng như một hành động an ủi.
Đại diện quán cà phê giải thích mục đích của họ là "cung cấp cho khách hàng một dịch vụ đơn giản, cho phép họ thoải mái ngủ cùng người lạ".
Để bảo vệ nhân viên nữ, quán đã thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt, bao gồm việc cấm khách chạm vào tóc và vượt quá bất kỳ ranh giới nào khác.
Fuki, một nữ phục vụ tại quán, chia sẻ rằng nhiều khách hàng nam lần đầu đến quán tâm sự rằng họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc với bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Một khách hàng tên Inoue sau khi trải nghiệm dịch vụ đã bày tỏ sự hài lòng. Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ sự hoài nghi về sự chân thành của các nữ tiếp viên. Anh tự hỏi liệu nụ cười ngọt ngào của họ có phải là giả tạo hay liệu họ có nói xấu khách hàng sau lưng hay không.
Mặc dù có những nghi ngờ như vậy, Inoue vẫn có ý định quay lại quán. Anh thừa nhận rằng ban đầu anh cảm thấy ngại ngùng với dịch vụ này, nhưng sau đó đã thoải mái hơn khi ngả đầu vào lòng nhân viên phục vụ và thấy cuộc trò chuyện của họ rất thú vị.
Những quán cà phê này đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội và gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một người ủng hộ cho biết: "Sau một ngày dài mệt mỏi, tất cả những gì chờ đợi tôi ở nhà là một chiếc giường lạnh lẽo và đồ ăn thừa. Không gì tuyệt vời hơn một chút quan tâm và cái ôm ấm áp".
Một người khác nói thêm: "Ôm hoặc ngắm nhìn một cô gái dễ thương có thể không giải quyết được mọi chuyện, nhưng nó giúp xoa dịu nỗi cô đơn và tiếp thêm năng lượng cho mọi người để đối mặt với những thách thức của cuộc sống".
Tuy nhiên, những người chỉ trích bày tỏ mối quan ngại. "Tiếp xúc vật lý với người lạ có thể khiến một số người cảm thấy không thoải mái", một cư dân mạng viết, cảnh báo rằng việc dựa vào các dịch vụ như vậy trong thời gian dài có thể "làm nản lòng với các mối quan hệ ngoài đời thực", làm trầm trọng thêm sự cô lập xã hội.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng các doanh nghiệp độc đáo cung cấp dịch vụ hỗ trợ tinh thần.
Vào cuối năm 2023, nhà hàng Shachihoko-ya ở Nagoya đã trở thành tâm điểm chú ý với "dịch vụ tát", nơi nhân viên mặc kimono sẽ tát khách hàng để kiếm được 300 yen ( hơn 48.000 đồng). Trong khi đó, quán cà phê Mori Ouchi ở Tokyo, với phong cách trang trí theo chủ đề rừng, chỉ phục vụ những người bi quan, mang đến một không gian an toàn để kết nối và trò chuyện.