Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quy định mới về hoạt động của taxi công nghệ và truyền thống: Người sử dụng sẽ quyết hãng nào sẽ tồn tại?

(DS&PL) -

Chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô được kỳ vọng sẽ giúp Nhà nước quản lý, định hướng và phát triển thị trường

Chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) về kinh doanh vận tải bằng ô tô được kỳ vọng sẽ giúp Nhà nước quản lý, định hướng và phát triển thị trường chặt chẽ hơn. Còn nhớ, vụ kiện giữa Vinasun và Grap đã tạo ra “cuộc chiến pháp lý” vô tiền khoáng hậu. Do đó, nghị định mới đang được kỳ vọng sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải ô tô. Điều quan trọng hướng tới là Nhà nước quản lý hiệu quả, còn người sử dụng có lợi...

Điều kiện cho các “cỗ máy” vận hành

Sau nhiều năm xây dựng, Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã chính thức có hiệu lực từ 1/4 vừa qua. Quy định mới này có tác động đến cả ngành vận tải nói chung và các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử nói riêng.

Đại diện vụ Vận tải, bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Grab cũng như các hãng xe công nghệ được hoạt động bình thường và tự chọn mô hình phù hợp. Các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab, Be, Fast Go... có thể lựa chọn một hai cách để tuân thủ quy định. Thứ nhất là chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải và phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

Và thứ hai, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo Nghị định 10 và các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo một số chuyên gia vận tải, khi áp dụng các quy định mới, hoạt động của Grab sẽ không bị ảnh hưởng tại Việt Nam, thậm chí ngày càng minh bạch, bình đẳng trên thị trường, qua đó cũng có nhiều cơ hội hơn. Các doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử trong vận tải, không chỉ riêng Grab, cũng sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các loại hình dịch vụ khác.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành của Grab tại Việt Nam cho biết, Nghị định 10 có hiệu lực sẽ hợp thức hóa dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng, tạo hành lang pháp lý chính thức để các nền tảng gọi xe công nghệ mở rộng hoạt động toàn quốc (ngoài 5 tỉnh, thành phố theo đề án thí điểm thuộc Quyết định 24). Đây là một bước tiến lớn, hơn 95 triệu người dân Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố có thể sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ an toàn và thuận tiện.

“Grab cũng đang triển khai xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô cho dịch vụ GrabCar đúng quy định tại nghị định 10, để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng và hợp tác với các đối tác tài xế mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào”, bà Vân nói. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần FastGo Việt Nam cho hay, hãng này sẽ ưu tiên chọn là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải cho các đơn vị kinh doanh vận tải. “Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu mở rộng thị trường ra nhiều địa phương khác, sắp tới là thêm 10 tỉnh, thành có sân bay và du lịch phát triển”, ông Tuất trình bày.

Môi trường cạnh tranh công bằng

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định mới, các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar bằng tên gọi "Xe hợp đồng điện tử" không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu "Xe hợp đồng" trên kính. Dạng xe này hoạt động hợp pháp phải được dán 3 tem: Phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).

Đáng chú ý, xe taxi truyền thống cũng không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “Taxi” trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ “Xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20 cm.

“Như vậy, việc Nghị định 10 được ban hành sẽ tạo ra môi trường kinh doanh vận tải taxi công bằng hơn giữa các doanh nghiệp. Khách hàng cũng có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, giá sử dụng dịch vụ cũng là mấu chốt quan trọng quyết định tới việc khách hàng lựa chọn. Và lúc đó, chính người sử dụng dịch vụ sẽ quyết định ai sẽ tồn tại trong cuộc chiến không kém phần khốc liệt mang tên cạnh tranh để phát triển”, luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Cũng theo vị luật sư, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, dù còn khá sớm để nhận định về hiệu quả kinh tế mà bước chuyển này mang lại nhưng có thể hiểu rằng tiến tới “người tiêu dùng trên cả nước chứ không còn gói gọn tại 5 tỉnh thành sẽ được tiếp cận và sử dụng một phương thức đi lại, khác với phương thức truyền thống bấy lâu nay”.

“Việc dán phù hiệu cũng giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu, thuận lợi trong quá trình sử dụng dịch vụ hàng ngày. Đây là cơ hội để Grab cũng như các hãng xe công nghệ nâng cao chất lượng phục vụ. Tình trạng tài xế sử dụng xe chạy “chui” ứng dụng được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể và nâng cao an toàn cho khách hàng”, ông Hiếu đánh giá.

Grab sẽ tiến hành các bước đi nào?

Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, ông Lê Quang Kiệt - Giám đốc truyền thông của Grab tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng Nghị định 10 sẽ tạo điều kiện để các ứng dụng kết nối vận tải có thể phục vụ người tiêu dùng Việt Nam một cách tốt nhất và góp phần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất”.

Ông Kiệt cũng chia sẻ, đơn vị đang phối hợp với bộ GTVT và các sở GTVT để tuân thủ nghiêm túc Nghị định. Theo đó, Grab sẽ tiến hành xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho dịch vụ GrabCar theo quy định tại Nghị định 10 để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng và hợp tác với các đối tác tài xế mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào. Bên cạnh đó, Grab vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo tất cả đối tác tài xế tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định 10.

Ông Kiệt khẳng định, Grab vẫn tiếp tục mô hình là nền tảng công nghệ cung cấp đa dịch vụ. Hành khách vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng Grab như trước đây. Đối tác tài xế vẫn là thành viên của các đơn vị vận tải, và sử dụng ô tô để cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách bằng hình thức xe hợp đồng điện tử thông qua ứng dụng Grab”.

Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật kỳ DSPL số 4 (56)

Tin nổi bật