Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quy định Luật sư tố cáo thân chủ: Cần hiểu rõ nghĩa hơn điều luật

(DS&PL) -

Cần diễn đạt lại nội dung khoản 3 Điều 19 dự thảo cho rõ nghĩa hơn, chỉ nên quy định “Người bào chữa có đủ căn cứ chứng minh tội phạm đang chuẩn bị thực hiện mà không tố.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng: Cần diễn đạt lại nội dung khoản 3 Điều 19 dự thảo cho rõ nghĩa hơn, đặc biệt là chỉ nên quy định “Người bào chữa có đủ căn cứ chứng minh tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện mà không tố giác…”

Sáng 27/5, Hội nghị về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các đại biểu (ĐB) về dự luật quan trọng này. Chủ tịch Quốc hội (QH) đã tranh luận với ba ĐB là luật sư (LS) tại hội nghị về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015.

Điểm nóng nhất của hội nghị  là Điều 19 của dự luật trong đó quy định LS cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh.

Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VP Luật sư Giang Thanh.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: “Khách quan mà nói, dự thảo lần này đã có quy định rõ ràng, rành mạch hơn các văn bản pháp luật trước đó về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư, cho dù lẽ ra quy định như vậy phải được thiết kế từ khi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên ra đời vào năm 1985 và 1988. Từ việc xác định rõ trách nhiệm của mình khi tham gia bào chữa trong các vụ án, luật sư sẽ yên tâm hành nghề hơn, không phải lo lắng về việc liệu chính bản thân có trở thành vi phạm pháp luật hay không khi không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ.”

Luật sư Thanh phân tích: “Nếu toàn bộ nội dung dự thảo được đưa vào Bộ luật chính thức, hoặc không được diễn đạt dễ hiểu hơn, thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động hành nghề của luật sư, thậm chí là không thể tháo gỡ, và trên hết, khiến cho những người bị buộc tội mất hẳn niềm tin vào nơi mà họ đang cần tìm chỗ dựa, vào pháp luật, vào công lý.”

“Để có thể hình dung điều này dễ dàng hơn, tôi xin ví dụ trường hợp mà tôi đã không ít lần gặp phải như sau: A bị buộc tội Giết người. A cho rằng mình không phạm tội này. Về phía luật sư của A lại thu thập được những chứng cứ chống lại A. Vậy luật sư có nên cung cấp chứng cứ đó cho cơ quan tố tụng để kết tội A không?

Hoặc trường hợp khác là B bị buộc tội Đánh bạc. Trong quá trình làm việc B nhờ luật sư tư vấn xem B có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với vụ việc khác không. Vậy luật sư có nên tố cáo hành vi Lừa đảo của B không?” – Luật sư Thanh nêu ví dụ.

“Từ những ví dụ trên, nếu ai đó trả lời là “Có”, thiết nghĩ đó là sự thất bại của tư duy làm luật.”  -Luật sư Thanh nhận định.

Song song với ý kiến trên, Luật sư Thanh cũng đưa ra quan điểm, luật sư không thể tự đặt mình trên nghĩa vụ phụng sự công lý, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi của công dân. Nếu anh nhìn thấy khách hàng của mình đang mài dao để đi cướp, anh không thể nói rằng vì anh là thân chủ của tôi nên anh muốn làm gì thì làm, tôi không tố cáo anh đâu.

Theo Luật sư Thanh, cần sửa lại hoặc diễn đạt lại nội dung khoản 3 Điều 19 dự thảo cho rõ nghĩa hơn, đặc biệt là chỉ nên quy định “Người bào chữa có đủ căn cứ chứng minh tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện mà không tố giác…” chứ không nên quy định đối với cả trường hợp  “đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện”. Ngoài ra, phạm vi loại tội mà luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác nên thu hẹp lại, chỉ bao gồm các tội có nguy cơ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác như giết người, khủng bố, các tội liên quan đến xâm hại trẻ em.

Tin nổi bật