(ĐSPL) - Trong ca làm việc tại công ty Than Dương Huy, công nhân T. tự ý đi vào đường lò đã có rào chắn tạm, không thông gió dẫn đến tử vong.
Thông tin nhận được, vào khoảng 20h ngày 7/11, tại lò DVVT 9-3 mức -35, vỉa 9, khai trường than Công ty Than Dương Huy (Tập đoàn Công nghiệp than Khoáng sản Việt Nam) đã xảy ra một vụ tai nạn khiến một công nhân tử vong. Danh tính nạn nhân được xác định là Trần Văn T. (23 tuổi), là công nhân cơ điện lò bậc 3/7.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, vào ca 2 ngày 7/11, công nhân cơ điện Trần Văn T. thuộc phân xưởng đào lò 3, được phó quản đốc Đinh Thế Phi giao lệnh trực vận hành máng cào, trực sửa chữa cơ điện phục vụ đào lò song song chân chợ (mức -20) TT-9-3/V9/KTT. Nhận lệnh xong, mọi người vào lò làm việc. Trong ca làm việc, công nhân T. một mình tự ý đi vào đường lò DVVT 9-3 mức -35, vỉa 9 – KTT (đây là đường lò đã có rào chắn tạm, không thông gió) dẫn đến tử vong.
Liên quan đến sự việc trên, đại diện Công ty Than Dương Huy cho biết, công nhân Trần Văn T. tử vong do ngạt khí.
Trách nhiệm bồi thường khi bị tai nạn lao động Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động, theo đó: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.” Theo Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: “Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”. Trách nhiệm của người sử dụng lao động với người bị tai nạn lao động Điều 144 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động như sau: - Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. - Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. - Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này. |
TƯỜNG VY
Xem thêm video: [mecloud]DjUhDWnq3p[/mecloud]