Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quân nhân hy sinh 45 năm chưa được công nhận liệt sỹ?

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng đến nay ông Sanh vẫn chưa được chính quyền công nhận là liệt sỹ.

(ĐSPL) – Hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng đến nay ông Sanh vẫn chưa được chính quyền công nhận là liệt sỹ. Điều này đã khiến gia đình và người thân ông Sanh hết sức bức xúc.

Quân nhân hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ

Ông Nguyễn Văn Sanh (SN 1942), trú tại thôn Phú Lai, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa là quân nhân nhập ngũ vào năm 1965. Ông đã hy sinh năm 1969 khi đang trên đường cùng đơn vị chiến đấu di chuyển vào chiến trường B, tại xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Văn Chính (em trai ông Nguyễn Văn Sanh) cho biết, đã 20 năm trôi qua từ sau khi nhận được tin báo người anh hy sinh tại chiến trường, gia đình ông đã nhiều lần làm hồ sơ gửi lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị được xem xét công nhận ông Nguyễn Văn Sanh là liệt sỹ (hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc) nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ công nhận nào từ tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Chính đang cầm bộ hồ sơ xin xác nhận liệt sỹ cho anh trai là Nguyễn Văn Sanh đến nay vẫn chưa được công nhận.

Ông Chính cho biết, để có được bộ hồ sơ đầy đủ điều kiện xin xác nhận gia đình liệt sỹ, ông đã phải trải qua quãng thời gian rất dài và vất vả. Ông đã 5 lần đi từ Thanh Hóa đến xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xin xác nhận của tỉnh Hà Tĩnh, nơi ông Sanh đã hy sinh.

Không dưới 20 lần ông làm hồ sơ để gửi xuống tỉnh Thanh Hóa chờ được công nhận là liệt sỹ và giải quyết chế độ của một quân nhân hy sinh trong kháng chiến, nhưng rồi chờ mãi mà vẫn bặt vô âm tín.

Một số giấy tờ ông Chính đi xin xác nhận cho anh trai mình.

Ông Chính buồn rầu kể lại: "Tôi làm hồ sơ từ ngày bố mẹ tôi còn sống nhưng cứ gửi lên tỉnh là không thấy hồi âm gì cả, trong khi đó ở xã và ở huyện đội huyện Thiệu Hóa đều đã công nhận và tạo điều kiện cho gia đình tôi rồi. Không chỉ có vậy, trong biên bản gửi đi các cấp, họ đều xác nhận anh tôi đi bộ đội và đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và ghi rõ đề nghị các cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét và giải quyết”.

Tháng 9/2011, gia đình ông Chính có đăng tìm kiếm mộ liệt sỹ trên phương tiện thông tin đại chúng, ít ngày sau gia đình đã nhận được lá thư của bác Phạm Song Toàn (hiện đang trú ở Thường Tín, Hà Tây (cũ). Trong thư bác Toàn có báo cho gia đình biết phần mộ chí của ông Sanh hiện đang nằm ở Hà Tĩnh.

Lần theo manh mối duy nhất đó, ông Chính đã vào tận Hà Tĩnh xin xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh về phần mộ của ông Sanh và cũng đã được xác nhận đó là liệt sỹ Lê Văn Sanh - anh trai của ông Chính.

Ông Chính cho biết: “Sau khi hoàn tất hồ sơ, tất cả các thủ tục đầy đủ, tôi đã gửi đến tỉnh đoàn tỉnh Thanh Hóa và ban chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Nhưng không hiểu sao, khi gửi tới đây thì gia đình tôi lại không nhân được bất cứ hồi âm gì, phải chăng có điều gì khuất tất từ đơn vị tỉnh đoàn”.

Sau rất nhiều lần chạy vạy gửi lời kêu cứu tới các cấp có thẩm quyền xem xét và giúp đỡ nhưng những đề nghị của gia đình ông Chính đều không được hồi đáp.

Ông Chính bức xúc: “Không lẽ anh tôi hy sinh như thế mà đến nay bị nhà nước chối bỏ, anh tôi tự nguyện đi bộ đội vì quê hương đất nước nhưng đến nay họ (ý nói là các cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hoá - PV) vô tâm quá, đã để gia đình tôi 20 năm lăn lội đi tìm chân lý”.

Nguyện vọng được Tổ quốc ghi công

Với ý nguyện được đất nước tưởng nhớ tới công lao của người anh trai quá cố để con cháu đời đời nhớ ơn, tự hào về người cha, người ông đã hi sinh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, gia đình ông Chính luôn kiên trì, chờ đợi câu trả lời từ phía Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, cũng như các ban ngành của tỉnh Thanh Hóa.

Ông Chính rơm rớm nước mắt tâm sự: "Thương cho anh tôi lúc đó, không đợi đến lúc phải kêu gọi đi nghĩa vụ mà tự làm đơn xin đi chiến đấu. Cứ nhắc đến anh là tôi nghẹn lòng, chỉ mong anh mình được Tổ quốc ghi công chứ gia đình tôi cũng không mong chút lợi lộc gì".

Bà Lê Thị Thảo, vợ ông Chính, người chứng kiến từ đầu đến đuôi câu chuyện chồng đi tìm chân lý cho anh trai tâm sự: "Cứ thấy ông nhà tôi chạy tới chạy lui nhiều lần, bỏ bê công việc để tìm chân lý cho người anh đã mất, tôi nóng ruột lắm nhưng cũng chẳng làm được gì. Sao ở đời lại có chuyện như thế được, anh tôi hy sinh là sự thật, chồng tôi đi làm hồ sơ giấy tờ cho anh tôi, bị người ta vòi vĩnh, nếu có tiền có khi anh tôi đã được công nhận là liệt sỹ rồi".

Vợ chồng ông Chính, bà Thảo bức xức chia sẻ với PV.

Bà Thảo buồn rầu chia sẻ trong nước mắt cho cái sự nghèo khó và kém cỏi của gia đình nên đến nay anh của bà vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.

Cùng ngày nhập ngũ với ông Nguyễn Văn Sanh, ông Lê Văn Câu, trú tại thôn Phú Lai, hiện đang hưởng chế độ là bệnh binh chia sẻ: "Lúc ông Sanh hy sinh ở pháo mặt đất, tôi cũng biết tin nhưng không được làm công tác tử sỹ cho ông Sanh.

Ông Lê Văn Câu, thôn Phú Lai, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, bạn cùng đi chiến đấu với ông Nguyễn Văn Sanh.

Chúng tôi cùng nhập ngũ tháng 9/1965, nhưng ông Sanh thì hy sinh rồi. Tôi cùng làng Phú Lai, được biết em trai ông Sanh đã nhiều lần lặn lội đi xác minh cho anh ông ấy là liệt sỹ nhưng đến nay vẫn chưa được mặc dù tôi cũng là người làm chứng cho ông ấy.

Chế độ nhà nước làm như thế là quá thiệt thòi, không được công nhận là liệt sỹ cũng không được hưởng chế độ gì cả, điều đó có đúng với đạo lý của người Viêt Nam không nữa ?.

Tôi chính là nhân chứng sống của một thời bom đạn, anh em kề cận nhau trong cái chết cận kề, đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc xác minh để gia đình sớm được hưởng chế độ của một quân nhân đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình của dân tộc”, ông Câu đề nghị.

Phóng viên đã mang những vướng mắc hơn 20 năm của gia đình ông Chính đến gặp ông Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng người có công thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, ông Mười cho biết, hiện Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ cũng như thông tin nào về trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Sanh có địa chỉ như trên.

Ông Mười cho biết, đối với trường hợp của ông Sanh, huyện đoàn và tỉnh đoàn là cơ quan nắm bắt và xử lý việc xác nhận liệt sỹ cho đối tượng này. Sau khi huyện đoàn xem xét hồ sơ rồi báo cáo với tỉnh đoàn, tỉnh đoàn sẽ mang hồ sơ báo cáo lên UBND tỉnh xác nhận.

"Đối với việc xác nhận hồ sơ cho ông Sanh, nếu đúng là ông đã hy sinh thật thì việc công nhận là rất dễ dàng, vì ông Sanh đã có xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, việc ông Sanh đi tham gia kháng chiến theo diện thanh niên xung phong nên huyện đoàn và tỉnh đoàn sẽ phải có trách nhiệm hướng dẫn cho gia đình làm hồ sơ xác nhận", ông Mười nói.

Lúc này, những thân nhân của ông Sanh cũng đã ở cái tuổi "gần đất xa trời", họ chỉ mong muốn các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc điều tra xác minh để sớm công nhận cho liệt sỹ ông Lê Văn Sanh, một người đã hy sinh vì nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc song đến nay vẫn chưa được công nhân là liệt sỹ.

Tin nổi bật