GS. Carl Thayer, nguyên GS Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, trả lời phỏng vấn liên quan đến diễn biến Trung Quốc đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông.
- Với những diễn biến gần đây liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 và quan hệ giữa hai nước Việt - Trung như chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam và Bắc Kinh triển khai thêm một số giàn khoan vào Biển Đông, ông có thấy những dấu hiệu gì cho thấy Bắc Kinh đang toan tính những bước đi sắp tới mà có thể gây bất ngờ hoặc không lường trước được?
Cách hành xử trong quá khứ của Trung Quốc, nhất là với Philippines cho thấy, khi một quốc gia đứng lên phản đối về vấn đề chủ quyền, Bắc Kinh càng trở nên giận dữ. Họ sẽ có những biện pháp khôn khéo để tạo thêm áp lực.
Chuyến thăm của ông Dương, với việc phát ngôn rằng "Việt Nam nên ngừng thổi phồng" vấn đề Biển Đông, chính là một động thái gây áp lực. Giờ đây ít nhất một giàn khoan khác hiện diện trong vịnh Bắc Bộ gần biên giới.
GS. Carl Thayer: Việt Nam càng phản đối thì Trung Quốc sẽ càng gia tăng áp lực. |
Việt Nam chỉ có một số lượng ít tàu cảnh sát biển và kiểm ngư. Đây thực sự là một bài toán về nguồn lực đối với Việt Nam. Nhưng Trung Quốc cũng chỉ có thể làm như vậy trong một thời gian nhất định, vì sau tháng 8 là đến mùa bão. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao khi đặt giàn khoan Hải Dương 981, họ nói sẽ chỉ đến 15/8 vì họ không thể duy trì hàng trăm tàu ở đó trong mùa bão. Đó cũng là một cách khôn ngoan khi không để khả năng mở. Kiểu cách của Trung Quốc là thu hút sự chú ý sau đó lắng dần.
Giàn khoan mới không thể là chuyện tình cờ xảy ra. Đó là một phần của kế hoạch, bằng cách đưa thêm giàn khoan, Trung Quốc biến tình hình ngày càng trở thành việc giữa Trung Quốc và Việt Nam, chứ không phải các nước ASEAN. Vịnh Bắc Bộ chỉ là một khu vực nhỏ hẹp và hai bên chỉ mới bắt đầu đàm phán về việc làm gì ở ngoài khu vực đó, vì thế rất đáng lo ngại. Cách tiếp cận này của Bắc Kinh rất cứng rắn. Và vào lúc này, Việt Nam càng phản đối thì Trung Quốc sẽ càng gia tăng áp lực.
Điều đó đáng lo ngại và là một sự khiêu khích mới. Họ đang dùng những thứ được thiết kế để khai thác dầu mỏ vào mục đích chính trị. Nếu tôi là chủ công ty Trung Quốc, tôi sẽ rất lo lắng về việc mất lợi nhuận. Giàn khoan là để khoan dầu chứ không phải là để vào vịnh Bắc Bộ chơi trò chính trị.
- Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tăng thêm giàn khoan, quan hệ giữa hai nước sẽ thay đổi như thế nào?
Năm ngoái tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của Bắc Kinh đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nhớ lại chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 10 năm ngoái, ông ta nói về đột phá mới trong quan hệ hai nước, rằng hai Đảng sẽ không làm gì để khiến bên kia giận dữ. Giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược. Hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với Việt Nam ngay trong những đối thoại giữa hai chính phủ, sau đó không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động một cách đơn phương.
Vậy làm sao có thể tiếp tục giữ lòng tin chiến lược, thứ mà phải qua một thời gian dài mới xây dựng được, từ khi bình thường hóa quan hệ, thỏa thuận về biên giới trên bộ, phân chia vịnh Bắc Bộ, trở thành đối tác chiến lược sau đó đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phản đối mạnh mẽ, sau đó các lãnh đạo khác cũng lần lượt lên tiếng. Nhưng Trung Quốc luôn vậy, như chính trong trường hợp của Australia khi nói về vùng nhận dạng phòng không, họ từ chối đối thoại, sau đó đến vụ máy bay Malaysia, họ lại tìm đến chúng tôi.
Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình, muốn có những mối quan hệ mới, nhưng lại hành xử rất tệ và vênh váo. Nhân dân Nhật báo từng đặt tôi viết bài nhưng chắc là họ sẽ không đăng, vì tôi kiến nghị Trung Quốc nên nhớ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Tôi cũng nhắc họ rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất từng bị thực dân đô hộ. Việt Nam cũng đã đấu tranh chống lại ách thực dân. Trung Quốc có biên giới, Việt Nam cũng có biên giới, hãy làm việc trên cơ sở đó. Philippines cũng từng bị đô hộ. Đâu phải chỉ Trung Quốc từng đau khổ. Việt Nam đã phải đấu tranh giành độc lập, họ biết thế nào là hy sinh, Trung Quốc không phải dạy Việt Nam điều đó.
- Chính phủ Việt Nam kiên định các biện pháp ngoại giao từ khi giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt. Nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới theo kiểu nước lớn. Việt Nam nên làm thế nào?
Muốn chơi cờ với Trung Quốc, đừng chơi theo cách họ muốn. Việt Nam đang có sự cảm thông và ủng hộ của quốc tế, Việt Nam hãy tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh khiêu khích, và bình tĩnh.
Việt Nam đã làm rất tốt việc đưa phóng viên quốc tế ra đó ghi hình, thông tin đến toàn thế giới. Người dân Bắc Mỹ, châu Âu, và cả Australia, mỗi ngày mở tivi đều thấy những bản tin từ các phóng viên của chính họ về cách hành xử của Trung Quốc. Tôi không nghĩ Bắc Kinh thích nghe dư luận thế giới nói về họ.
Đây không phải là việc có thể giải quyết ngay lập tức mà cần nhiều thời gian, nhưng ai có thể dạy Việt Nam về trường kỳ đấu tranh nào? Đây là trò chơi mà Trung Quốc muốn. Họ đang có nhiều vấn đề rắc rối khác. Lúc này có thể thấy họ đang giảm áp lực lên Nhật Bản, có lẽ vì họ không thể căng ra trên hai mặt trận. Vì thế Việt Nam càng cần phải bình tĩnh, có sự đoàn kết trong nước về việc bảo vệ chủ quyền, giữ vững lập trường. Không để Trung Quốc nói là việc này là của một người, người đó phải giải quyết.
Cuối cùng, tôi nghĩ các lãnh đạo cấp cao cần học tập quá khứ. Các lãnh đạo cấp cao ngày xưa nói: Đến hạn này, xong vấn đề biên giới; Đến hạn này, xong việc vịnh Bắc Bộ. Còn hiện nay là một cuộc mặc cả, đến 15/8 Trung Quốc sẽ rút giàn khoan về vì sau đó là mùa bão, chẳng tàu thuyền nào ở trên biển được, dễ hiểu là lợi ích kinh tế cũng rất quan trọng, thế là cả hai bên giữ được thể diện.
GS. Carl Thayer: Các lãnh đạo cấp cao cần học tập quá khứ. |
- Xung đột xảy ra nhưng cho đến nay lãnh đạo hai bên đều loại trừ khả năng quân sự. Nhưng với việc Trung Quốc cứ gia tăng áp lực với Việt Nam, ông nhận định thế nào về sự kiềm chế này?
Trung Quốc đang khiêu khích Việt Nam. Nếu Việt Nam giận dữ và phản ứng, Trung Quốc sẽ la lên với cả thế giới rằng Việt Nam hiếu chiến, đáng bị đáp trả. Việc này rất khó, như thi đấu bóng đá vậy. Phải giữ bình tĩnh, chiến thắng trận đấu mới là quan trọng. Đừng đánh đối thủ vì anh ta xúc phạm mình, bạn sẽ nhận thẻ đỏ rời sân. Trong quá khứ, Việt Nam đã làm được việc trường kỳ đấu tranh, giờ hãy làm vậy với Trung Quốc, đừng để Trung Quốc khiêu khích.
Trong tiếng Việt có hai khác niệm "đối tác" và "đối tượng". Đây là lúc xem xét kỹ hai khái niệm đó.
- Cho đến nay, hành động pháp lý vẫn là biện pháp được các chuyên gia phi chính phủ ủng hộ nhiều nhất. Vậy theo ông, đâu là thời điểm thích hợp để Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa?
Thời điểm nào là do các lãnh đạo Việt Nam cân nhắc, khi quan hệ trở nên xấu đi và không thể khôi phục được. Theo tôi cách tốt nhất là ủng hộ Philippines trong vụ kiện của họ, vì một vụ kiện riêng lúc này là rất khó. Nếu phán quyết vụ kiện của Philippines là đường 9 đoạn vô giá trị và Trung Quốc vẫn không tuân thủ phán quyết này của tòa án quốc tế thì họ sẽ bị cộng đồng hàng hải trên toàn thế giới lên án, việc này sẽ có lợi cho Việt Nam.