Một ứng cử viên tổng thống cho rằng Indonesia cần có vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông, trong khi người kia nói chỉ nên can dự có chừng mực.
|
Hai ứng viên tổng thống có hai quan điểm khác nhau đối với lập trường của Indonesia về vấn đề Biển Đông. |
Lập trường của Indonesia về vấn đề Biển Đông được cho là sẽ có thay đổi, phụ thuộc vào ai trong số hai ứng cử viên - Joko “Jokowi” Widodo và Prabowo Subianto - là người chiến thắng.
Xoa dịu căng thẳng giữa nhiều nước ASEAN với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Indonesia thời gian gần đây. Thế nhưng, điều này có thể sẽ khác khi 2 ứng cử viên tranh chức Tổng thống không có cùng một quan điểm.
Thống đốc Joko “Jokowi” Widodo: Hạn chế can dự Thống đốc Jakarta Joko “Jokowi” Widodo, ứng cử viên Đảng Tranh đấu tự do (PDI-P) hôm 22/6 cho biết, nếu được bầu, ông sẽ thực thi một bước lùi nhỏ trong chính sách của Jakarta về Biển Đông. Ông này nhìn nhận, Indonesia không nên “nhúng tay” vào xung đột trừ khi có thể đóng vai trò tích cực giúp giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao.
“Đây là vấn đề giữa một nước này với nước khác. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta đóng vai trò nào đó, nhưng đồng thời cũng phải xem xét liệu việc này có làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc hay không, rằng chúng ta có tìm ra được một giải pháp cho xung đột hay không. Nếu như chính sách ngoại giao của chúng ta không hiệu quả và không tìm được hướng đi đúng, thì sự can dự cũng chẳng mang lại ích lợi gì”, ông Widodo trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm đối với tranh chấp ở Biển Đông trong cuộc tranh luận lần thứ 3 giữa hai ứng viên trên sóng truyền hình.
Jokowi, từng là một doanh nhân buôn bán đồ gỗ rồi vươn tới chức Thống đốc, bị xem là "người thua" trong các cuộc tranh luận trực tiếp vừa qua. Trước ý kiến của tướng 3 sao Prabowo Subianto, cựu Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia dưới thời Tổng thống Shuharto, ứng cử viên Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) cho rằng: lãnh hải Indonesia hiện đang bị “một nước có tranh chấp” tuyên bố chủ quyền, ông Jokowi đáp lại rằng: “theo như tôi biết thì chúng ta không có xung đột ở Biển Đông”.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa hôm 24/6 phát biểu, Indonesia không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này không bị ảnh hưởng, bởi “đường 9 đoạn” sẽ bao trùm cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Tướng Prabowo Subianto: Cần đóng vai trò tích cực hơn
Bara Hasibuan, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Gerinda nói với tờ Rappler (Philippines) rằng: ông Prabowo và ứng viên liên danh tranh chức Phó Tổng thống Hatta Rajasa đều giữ quan điểm: Dù không phải là bên tranh chấp, nhưng Indonesia có trách nhiệm chủ động hòa giải xung đột. “Indonesia có lợi ích trực tiếp trong vấn đề này. Căng thẳng leo thang sẽ có ảnh hưởng đến an ninh của chúng ta”, ông Bara phát biểu.
Ông đồng thời cũng đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao bền bỉ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thời gian qua nhằm đưa các bên tranh chấp tới đàm phán đề hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). “Biển Đông là vấn đề rất quan trọng đối với chúng ta. Indonesia có trách nhiệm duy trì, thúc đẩy vai trò của mình. Chúng ta cần giữ thế chủ động hòa giải xung đột, tạo sự thống nhất trong ASEAN và đẩy nhanh kí kết COC”, ông Bara bày tỏ.