Theo thông tin trên báo Dân Việt, mặc dù đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Ukraine nhưng cầu Crimea vẫn tồn tại bền vững cho đến nay.
Chia sẻ về vấn đề nói trên, ông Dmytro Pletenchuk - phát ngôn viên Hải quân Ukraine cho rằng, lý do chính khiến cầu Crimea chưa bị phá hủy hoàn toàn là nhờ hệ thống phòng không dày đặc do Nga triển khai để bảo vệ công trình này.
Một phần cây cầu Crimea hồi tháng 7/2022. Ảnh: RIA Novosti
Phát biểu trong một chương trình truyền hình quốc gia, ông Pletenchuk thừa nhận phía Nga thường xuyên phong tỏa giao thông trên cầu Crimea mỗi khi có cảnh báo không kích, cho thấy mức độ cảnh giác cao độ của đối phương.
"Cây cầu này hiện không còn được sử dụng như mục đích ban đầu vì đã từng bị hư hại. Nga đang xây dựng thêm các tuyến giao thông trên đất liền để dự phòng trường hợp cầu bị đóng hoàn toàn. Có thể nói họ đầu tư rất nghiêm túc vào việc bảo vệ công trình này, và đó có lẽ là lý do duy nhất khiến nó vẫn còn tồn tại", ông Pletenchuk nhận định.
Phát ngôn viên Hải quân Ukraine cũng lưu ý rằng, Nga đang duy trì mức độ phòng không cao trên bán đảo để bảo vệ các mục tiêu có tầm quan trọng về mặt chiến lược, bao gồm cây cầu và nhiều căn cứ quân sự, báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Defense Express cho hay.
"Chúng ta đã thấy hệ thống phòng không ở Crimea bị phá hủy như thế nào. Đó là lý do tại sao lực lượng Nga buộc phải duy trì mức độ tập trung phòng không cao nhất", ông Dmytro Pletenchuk nhấn mạnh.
Cầu Crimea đóng vai trò là tuyến đường quan trọng cho lực lượng Nga và là tuyến đường bộ duy nhất nối Nga với bán đảo Crimea. Cây cầu này được hoàn thành vào năm 2018, bốn năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Ukraine từng thực hiện 2 vụ đánh bom cầu Crimea, vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Giới chức nước này khẳng định việc phá hủy cây cầu nhằm mục đích quân sự.