Trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg ngày 24/11 (theo giờ địa phương) tại Hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe toàn cầu tại Hồng Kông (Trung Quốc), Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết tại quốc đảo này, tỷ lệ tử vong do COVID-19 của những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ tử vong vì bệnh cúm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những người chưa tiêm vaccine lại cao gấp 5 lần.
Theo đó, ông chỉ ra COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu nếu mọi người được tiêm phòng đầy đủ. Được biết, khoảng 85% người dân tại Singapore đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và quốc gia này là nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ 3 trên thế giới.
Trong khi đó, ông Ong Ye Kung nói thêm khoảng 94% người đủ điều kiện tại Singapore đã được tiêm tí nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 và gần 1/4 dân số đã được tiêm mũi vaccine nhắc lại.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung. Ảnh: Bloomberg
Ông Ong nhận định: "Vậy chúng ta có thể giữ cho số ca bệnh tử vong và phải điều trị tại ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) càng thấp càng tốt, để dịch bệnh này không khác gì bênh cúm, hay không? Tôi nghĩ là có. Ngay cả khi có một làn sóng dịch mới, chúng tôi vẫn có thể chịu được. Sẽ có thêm những ca tử vong nhưng con số này là hạn chế và chúng tôi hoàn toàn có thể vượt qua và xã hội được hoạt đông bình thường".
Được biết, thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19. Một số nước đã ghi nhận số ca bệnh tăng đột biến và buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới.
Trong khi vaccine có khả năng bảo vệ trước các triệu chứng nghiêm trọng, tỷ lệ những người tử vong dù đã tiêm vaccine vẫn tăng lên.
Tính chất chu kỳ của của COVID-19 đã hiến những nhà hoạch định chính sách trên thế giới cố gắng dự đoán thời điểm một làn sóng dịch bệnh mới có thể tấn công và mức độ nghiêm trọng của làn sóng này, trong đó, vaccine có thể tác động cũng như tạo ra sự thay đổi thế nào.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Singapore đã dần thoát khỏi chiến lược "Zero COVID-19" và dần tiến tới "sống chung với dịch bệnh", cho phép mở cửa biên giới với các quốc gia khác nhau. Trong đó, ông Ong nhận định việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đồng nghĩa với việc virus sẽ tiếp tục lây lan. Tuy nhiên, tiêm chủng, đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội hoàn toàn có thể giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ông Ong cho biết 2 tuần tới sẽ là 2 tuần vô cùng quan trọng đối với Singapore. Các quan chức Singapore sẽ không đưa ra quyết định tiếp tục mở cửa hay tạm ngừng các hoạt động cho đến khi xác định được nơi có thể bùng phát dịch.
Singapore thận trọng theo dõi kế hoạch mở cửa đất nước. Ảnh: SCMP
Bộ trưởng Y tế Singapore chia sẻ: "Các ca bệnh gia tăng là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, chúng tôi đã có thể giữ cho tốc độ gia tăng của các ca bệnh ở mức ổn định. Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều người hồi phục an toàn sau dịch và có khả năng miễn dịch tự nhiên. Việc áp dụng cả 3 biện pháp phòng dịch trên đã phần nào giúp kiểm soát sự gia tăng của các ca bệnh. Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ các vấn đề này trong 2 tuần tới và chúng tôi sẽ biết rõ hơn".
Trong ngày 24/11, Singapore đã ghi nhận thêm 2.030 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, giảm 1.000 ca so với cùng ngày tuần trước. Ngoài ra, con số 2.030 trường hợp cũng được xem là con số thấp nhất được ghi nhận tại Singapore kể từ tháng 9 tới nay.
Tỷ lệ lây nhiễm trong tuần của các thành phố - tiểu bang ở Singapore giảm xuống còn 0,75%, con số thấp nhất được ghi nhận kể từ khi các quan chức bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Singapore đã mở cửa trở lại ăn uống vào tháng 8 và chỉ vài tuần sau đó, quốc đảo này đã phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới, khiến các nhà lãnh đạo của họ phải tạm ngừng việc mở cửa và tái áp đạt một vài biện pháp phong toả. Thủ tướng Lý Hiển Long tuần trước cho biết Singapore đang thực hiện cách tiếp cận "từng bước" để mở cửa trở lại.
Theo ông Ong Ye Kung, việc một làn sóng COVID-19 mới tấn công Singapore sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn có thể xảy ra bởi đó là chu kỳ tự nhiên của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông kỳ vọng Singapore có thể chống chọi được với làn sóng dịch bệnh này và tránh được những tổn thất nặng nề như ở châu Âu.
Ông nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn dần mở cửa đất nước và đưa COVID-19 dần trở thành một căn bệnh đặc hữu".
Minh Hạnh (Theo Business Times)