Bloomberg đưa tin, lực lượng Ukraine đã mất khoảng một nửa lãnh thổ từng kiểm soát được ở vùng Kursk của Nga. Hiện Kiev thiếu nhân lực và cũng không tin tưởng vào việc phương Tây tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự.
Các quan chức giấu tên của Mỹ nhận định, Ukraine có thể chỉ bám trụ ở Kursk đến đầu năm 2025 nếu Nga tăng cường phản công. Nếu Moscow tiến hành một cuộc phản công hiệu quả ở Kursk, các mục tiêu có thể sẽ bao gồm các con đường và thành phố quan trọng để buộc Ukraine phải rút quân.
Trong trường hợp này, việc rút lui để tránh nguy cơ bị bao vây là điều không thể tránh khỏi đối với quân đội Ukraine. Một diễn biến như vậy sẽ thiêu rụi "quân bài mặc cả" của Ukraine trong các cuộc đàm phán ngừng bắn tiềm năng với Nga.
Theo một quan chức, quân đội Ukraine đã bám trụ ở Kursk lâu hơn dự đoán ban đầu, một phần là do quyết định của Mỹ cho phép Kiev tiến hành các cuộc tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức này hy vọng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ ra lệnh rút quân đủ sớm để tránh tổn thất đáng kể.
Biển báo chỉ dẫn khu vực Kursk tại Nga. Ảnh minh họa
Trong khi đó, một quan chức khác cho biết Ukraine chưa bao giờ có ý định duy trì quyền kiểm soát Kursk, nghĩa là việc rút lui vẫn có thể được coi là một thành công về mặt chiến thuật bởi dẫu sao chiến dịch đột kích kéo dài từ tháng 8 đã gây tổn thất đáng kể cho Nga.
Moscow đặt mục tiêu đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng sau.
Nga khẳng định, chiến dịch ở Kursk kéo dài gần 5 tháng qua đã gây thiệt hại nặng nề cho Kiev. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đến nay, Ukraine đã mất hơn 43.000 quân, hàng trăm xe bọc thép, hàng trăm khẩu pháo và các vũ khí khác.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/12 kêu gọi phương Tây gửi cho Kiev nhiều vũ khí hơn và nhanh hơn để hỗ trợ cuộc chiến với Nga.
"Điều quan trọng là Mỹ đang tăng cường các chuyến viện trợ của mình, sự hỗ trợ này là cần thiết để ổn định tình hình", ông Zelensky cho biết.
"Tôi cảm ơn các đối tác của chúng tôi vì sự hỗ trợ của họ, nhưng tốc độ chuyển giao phải tăng tốc để phá vỡ nhịp độ các cuộc tấn công của Nga. Chúng tôi cần nhiều sức mạnh hơn về vũ khí và vị thế vững chắc cho ngoại giao", ông Zelensky nói thêm.
Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tìm cách gửi viện trợ tài chính, vũ khí, thiết bị và đạn dược cho Ukraine nhiều nhất có thể trước khi chuyển giao quyền lực vào ngày 20/1.