Sáng 7/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2024, thông tin một số kết quả chủ yếu của công tác tư pháp quý III, nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý IV/2024.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ nói rất nhiều quan chức lộ "tài sản khủng" sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét. Một trong những giải pháp cần tính tới là ban hành đề án thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng.
Thông tin về vấn đề này, Bà Lê Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, cho biết tháng 9/2023, Bộ Tư pháp đã có báo cáo bước đầu về đề án gửi Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục xác định quy mô, lộ trình, phương án để đảm bảo tính khả thi trong tình hình mới.
Bà Lê Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp.
Phân tích thêm, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, đây là một cơ chế đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Cơ chế có ưu điểm nhất định khi cho phép thu hồi tài sản dù chưa có đủ căn cứ chứng minh phạm tội và giảm gánh nặng cho cơ quan tố tụng. Các quốc gia áp dụng cũng có nhiều quan ngại khi cho phép thu hồi tài sản chỉ thông qua khởi kiện dân sự.
Cũng theo bà Vân Anh, việc thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội dù nhanh chóng hơn nhưng phát sinh các vấn đề liên quan đến chuẩn mực, tiêu chuẩn chứng minh giảm nhẹ hơn, ảnh hưởng tới quyền tài sản và nguyên tắc "suy đoán vô tội", quyền xét xử công bằng, quyền tài sản của người dân.
Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính cũng nhận định, cơ chế thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội muốn đảm bảo tính khả thi phải đảm bảo đồng bộ xã hội về đăng ký tài sản, kê khai tài sản, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phòng chống rửa tiền…
Hiện, Bộ Tư pháp hiện đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để cố gắng đáp ứng đúng tiến độ đặt ra, báo cáo Chính phủ trong năm 2025.