"Nhiều người muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt. Nhưng nếu chúng ta ngừng hỗ trợ Ukraine, xung đột sẽ kết thúc trong 15 ngày và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, chúng ta có muốn kịch bản đó xảy ra với người Ukraine và cho sự an toàn của chính chúng ta hay không?", Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell chia sẻ khi trả lời phỏng vấn với báo Tây Ban Nha 20 Minutos.
Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Ảnh: Reuters
Hồi cuối tháng 9, Ukraine cũng thừa nhận rằng nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của phương Tây để tiếp tục chiến đấu với Nga.
"Chúng tôi giải quyết vấn đề vũ khí và thiết bị quân sự với các đồng nghiệp từ Mỹ, châu Âu, Nhóm Hỗ trợ An ninh - Ukraine, Trung tâm Điều phối Nhà tài trợ Quốc tế... Đây là các hợp đồng mua sắm và hậu cần. Chúng tôi phụ thuộc hơn 80% vào các đối tác", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết.
Ngày 6/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans xác nhận việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Cụ thể, nước này đã giải ngân 3,76 tỷ euro (4,03 tỷ USD) trong tổng số 10 tỷ euro cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hiện Hà Lan đang cung cấp cho Ukraine các bộ phận dự phòng, đạn dược và nhiên liệu cho máy bay F-16, cũng như tìm cách tăng cường đào tạo phi công cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này sẽ đầu tư 400 triệu euro (khoảng 440 triệu USD) để phát triển UAV tiên tiến cho Ukraine. Chương trình tập trung phát triển các thiết bị bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, phòng thủ và tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cũng cho biết nước này sẽ sớm chuyển giao cho Ukraine 3 bệ phóng của hệ thống phòng không Patriot và tiếp tục chuyển giao cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 trong những tháng tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans. Ảnh: X
Gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp tất cả những vũ khí mà Kiev cần để đối phó với Nga. Ông đổ lỗi cho việc phương Tây chậm trễ bàn giao viện trợ khiến Ukraine tổn thất lớn.
Giới chức phương Tây nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Nga sẽ tấn công các nước NATO nếu giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần khẳng định họ không có ý định làm như vậy vì nước này không đạt được bất cứ lợi ích gì.
Một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 7/10 ch o biết, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow muốn chấm dứt xung đột lâu dài thay vì chỉ đạt được lệnh ngừng bắn với Ukraine.
Theo ông Lavrov, phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và Kiev nên chấm dứt các hành động thù địch, đồng thời trở lại "tình trạng trung lập, không tham gia liên minh và phi hạt nhân, bảo vệ tiếng Nga và tôn trọng các quyền và tự do của người dân".
Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã liệt kê các điều kiện tiên quyết cho một giải pháp hòa bình với Ukraine, tuy nhiên Kiev đã đáp trả bằng cách phát động một cuộc tấn công vũ trang vào tỉnh Kursk của Nga.
"Trong hoàn cảnh này, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của mình cho đến khi các mối đe dọa từ Ukraine được loại bỏ", ông Lavrov nói, đồng thời lưu ý rằng Ukraine phải trả cái giá lớn nhất trong cuộc xung đột này.
Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng, trong khi Moscow đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine trong hơn một thập niên, những nỗ lực này đã nhiều lần bị Kiev và phương Tây phá hoại.