Từ khi gió heo may về, những vựa hồng đã dần chín đỏ. Quả hồng được nhiều người lựa chọn vì chúng không chỉ ngon ngọt, giàu dinh dưỡng, nhiều chất chống oxy hóa tốt cho làn da phụ nữ mà còn chứa đựng cả hương vị mùa thu trong đó. Nhưng nếu ăn không đúng cách, đúng thời điểm loại quả này lại gây hại cho sức khoẻ.
Thông tin trên VTC News, nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, quả hồng là loại quả đặc trưng của mùa thu.
Trong Đông y, quả hồng khi xanh có vị chát, tính bình, tác dụng nhuận phế, sinh tân, tiêu đờm, giảm ho. Ngoài ra, người đang bị tiêu chảy có thể dùng trái hồng xanh sắc lấy nước uống sẽ trị được bệnh rất nhanh. Người bị ho đờm nhiều có thể lấy quả hồng khô sắc lấy nước uống trong vòng 5 - 7 ngày sẽ khỏi ho, tiêu đờm.
Hồng chín rộ vào mùa thu.
Tác dụng của quả hồng
Quả hồng khi chín vị ngọt, ít chát, tính bình, quy kinh tâm và phế. Dùng hồng chín tác dụng bổ hư lao, nhuận tâm và phế.
Theo y học hiện đại, trong 100g quả hồng chứa vitamin C, axit amin, mangan, kali... Trong đó, phải kể đến hàm lượng mangan lên tới 1.220mg/100g quả hồng (phần ăn được). Hàm lượng này vượt trội hơn hẳn với những loại quả như roi, đu đủ, hồng xiêm, quả na.
Trong quả hồng còn chứa nhiều beta-caroten tốt cho thể lực và phòng ngừa ung thư. Quả hồng được cho là rất tốt cho bệnh nhân tim mạch. Ăn mỗi ngày 3-4 quả hồng có thể giúp ổn định huyết áp.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết quả hồng có lợi ích cho sức khoẻ, nhưng cũng cần phải lưu ý khi ăn để tránh tác dụng phụ không đáng có như tắc ruột.
Những quả hồng có thể làm thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.
Tốt cho người giảm cân bởi vị ngọt của quả hồng giúp chế ngự cơn đói rất tốt mà vẫn không có nhiều calories.
Trong hồng ngâm có chất keo pectin tự nhiên - một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt, tăng cường tiêu hóa.
Đặc tính thú vị của quả hồng là tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Quả hồng cung cấp một yếu tố thiết yếu như đồng giúp duy trì huyết áp.
Những ai không được ăn hồng
Theo Sức khỏe và đời sống, quả hồng không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, một số cá nhân bị dị ứng với những loại trái cây này và không nên ăn quả hồng vì chúng có thể gây đau bụng, nôn hoặc sốc phản vệ trong những trường hợp nghiêm trọng.
Ngoài ra, ăn một lượng rất lớn hồng dẫn đến hình thành các búi thức ăn, là những khối cứng được tạo ra khi tannin, chất xơ khó tiêu trong quả hồng phản ứng với axit trong dạ dày. Những búi thức ăn này cản trở quá trình tiêu hóa và dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa, có thể gây tắc ruột và do đó cần phải tránh tiêu thụ quá nhiều hồng.
PGS.TS.BS Đỗ Trường Sơn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, năm nào khoa cũng tiếp nhận trường hợp bị tắc ruột do ăn quả hồng. Từ đó, ông khuyên mọi người khi ăn quả hồng cần nhai kỹ, ăn quả đã chín và được ngâm kỹ, không nên ăn nhiều, nhất là người có hệ tiêu hóa kém.
Một số trường hợp không nên ăn quá nhiều hồng.
Trong quả hồng nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói có thể tạo ra kết tụ do axit dạ dày. Nguyên nhân, dạ dày trống rỗng, nồng độ axit clohidric cao, ăn hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa gây kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị sẽ ở lại trong dạ dày và hình thành cục dị vật dạng bã thức ăn làm tắc ruột.
Sau khi ăn quả hồng nếu xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng, đau âm ỉ nhiều ngày kèm nôn mửa, nôn ra máu, người đó cần đến bệnh viện để thăm khám và can thiệp kịp thời.
Vị chuyên gia khuyến cáo người tiêu hoá kém, người già, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều quả hồng. Người có bệnh lý dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, khó tiêu, những người bị cắt dạ dày cũng không nên ăn nhiều quả hồng để tránh xảy ra tình trạng tắc ruột.
Người có bệnh lý đái tháo đường cũng cần tránh ăn quả hồng vì chỉ số đường trong quả này khá cao, có thể làm tăng đường huyết.
Những người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh và những người bị cảm lạnh không nên ăn quả hồng.
Bảo An (T/h)