Ngày 26/10 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp trực tiếp tại thủ đô Paris (Pháp) nhưng họ lại không tổ chức họp báo chung sau sự kiện. Truyền thông đã nhanh chóng chú ý tới điều này bởi các cuộc họp báo chung là điều thường thấy sau mỗi cuộc họp song phương.
Trước đó, phía Berlin từng nói rằng sẽ có một cuộc họp báo chung được tổ chức nhưng Điện Elysée lại lên tiếng bác bỏ việc này.
Tuy nhiên, theo các quan chức 2 bên, buổi làm việc giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp - Đức đã thành công. Trong đó, một cố vấn của Tổng thống Macron chia sẻ: "Cuộc gặp rất mang tính xây dựng và tính chiến lược. Chúng tôi đều đặt trọng tâm vào vấn đề năng lượng và hôm nay, chúng tôi đã có thể nâng tầm cuộc đối thoại và thảo luận về những gì chúng tôi muốn làm trong 5,10 năm nữa".
Một quan chức bên phái đoàn Đức cũng khẳng định, cuộc họp "thành công tuyệt đối". Thủ tướng Scholz đã đi cùng một đoàn báo chí đầy đủ đến Paris và sau đó khởi hành tới Athens (Hy Lạp) trong một chuyến thăm cấp nhà nước khác. Tuy nhiên, việc Pháp từ chối một cuộc họp báo chung được cho là kế một câu chuyện khác về quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu.
Quan hệ giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức được cho là đang "lạnh giá". Ảnh: Politico
Theo Politico, việc từ chối một cuộc họp báo chung có thể ngầm hiểu là một chiến thuật chính trị thường để đưa ra lời quở trách. Trước đó, nhà lãnh đạo Đức từng sử dụng chiến thuật này với người đồng cấp Hungary Viktor Orbán khi ông đến thăm Berlin.
Bà Sandra Weeser từ Đảng Dân chủ Tự do của Đức, người tham gia Hội đồng Nghị viện Pháp-Đức, nhận xét: "Cho đến nay vẫn còn thiếu sự liên lạc và trao đổi giữa các nhóm chính phủ mới tương ứng của ông Scholz và ông Macron. Vì vậy, chúng ta chắc chắn đang ở giai đoạn đầu của các mối quan hệ chính trị giữa các cá nhân mới, trong đó niềm tin phải được xây dựng trước tiên".
Được biết, việc không cùng nhau xuất hiện trong họp báo chung chỉ là một trong những vấn đề mới nhất cho thấy mối quan hệ "lạnh giá" giữa 2 quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Đức và Pháp đã gặp bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hay cách châu Âu vượt qua những khó khăn về quốc phòng.
Tuần trước, những căng thẳng này được thể hiện rõ hơn khi cuộc họp Nội các Pháp-Đức dự kiến diễn ra tại thị trấn Fontainebleau (Pháp) bị tạm hoãn tới tháng 1 do có những khác biệt lớn về văn bản của một tuyên bố chung. Sự bất đồng cũng được trông thấy tại Hội nghị thượng đỉnh EU, tổ chức ở Brussels (Bỉ) vào tuần trước.
Theo Politico, cuộc xung đột Ukraine, lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy các nước đồng minh châu Âu vào sự căng thẳng. Pháp-Đức trước đây từng là một liên minh quan trọng của khổi thì giờ cũng xuất hiện "những mâu thuẫn, bất hòa".
Trong đó, các quan chức Pháp phàn nàn rằng Đức đã không đối xử với họ như một đồng minh thân thiết. Cụ thể, Pháp nói rằng họ không được thông báo trước về gói giảm giá năng lượng trị giá 200 tỷ euro của Đức và họ khẳng định Berlin biết về sự thất vọng của họ.
Chantal Kopf, một nhà lập pháp từ đảng Xanh thuộc liên minh cầm quyền của Đức, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Quốc hội Pháp-Đức, chia sẻ: "Trong cuộc nói chuyện của tôi với các nghị sĩ Pháp, có thể thấy rõ rằng người dân ở Paris muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Đức. Cho đến nay, sự hợp tác này luôn vận động tốt trong thời gian khủng hoảng, ví dụ như quỹ phục hồi trong đại dịch COVID-19 và bây giờ người Pháp cũng muốn phối hợp để đưa ra các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại".
Minh Hạnh (Theo Politico)