Ukrinform đưa tin, ngày 20/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các đối tác phương Tây đã cân nhắc các quyết định quan trọng về hỗ trợ quân sự cho Ukraine “quá lâu”. “Mọi quyết định mà chúng tôi, sau đó là tất cả mọi người cùng nhau thực hiện, đều đưa ra muộn khoảng 1 năm”, ông nói.
Sau 6 tháng đấu tranh chính trị và trì hoãn, Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD được chờ đợi từ lâu vào tháng 4, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự. Tuy nhiên, trong thời gian ngừng viện trợ, Ukraine đã để mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka vào tháng 2 trong bối cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.
Sự thiếu hụt lực lượng phòng không của Ukraine cũng được thể hiện rõ khi Nga tăng cường các cuộc tấn công trên khắp đất nước, chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Theo Bộ Năng lượng Ukraine, các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã khiến nước này thiệt hại hơn 1 tỷ USD .
Ưu thế quân sự của Nga so với Ukraine được cho là ngày càng gia tăng. Ảnh: The Moscow Times
Dù vậy, Tổng thống Ukraine vẫn mô tả việc cung cấp viện trợ, đặc biệt là về năng lực phòng không, là “một bước tiến lớn. Ông kỳ vọng các đồng minh phương Tây sẽ tham gia trực tiếp hơn vào việc bảo vệ Ukraine bằng cách giúp đánh chặn tên lửa của Nga trên bầu trời nước này và cho phép Ukraine tấn công các thiết bị quân sự của Nga bằng vũ khí được viện trợ.
Giới chức Mỹ trước đó từng nhiều lần tuyên bố không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí được nước này cung cấp nhằm vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Chính quyền Kiev được cho là đang cố gắng thuyết phục Washington dỡ bỏ những hạn chế này.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 16/5 cho biết Washington không thay đổi quan điểm về các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine bằng vũ khí do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ Nga, ngay cả sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công ở Kharkiv.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây dẫn nguồn tin tình báo châu Âu cho biết, ưu thế quân sự của Nga so với Ukraine sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi phương Tây thực hiện các biện pháp khẩn cấp để thay đổi tình hình.
Đặc biệt, các nguồn tin tình báo nhấn mạnh rằng Nga đang có kế hoạch thành lập quân đội chính quy gồm 1,5 triệu quân vào năm 2026 vì nước này lo ngại sẽ xảy ra xung đột với NATO. Tuy nhiên, các nguồn tin không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về việc phương Tây phải làm gì để nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho mình.
Trước đó, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith, cho biết nước này không nghĩ rằng một cuộc chiến giữa Nga và NATO có thể xảy ra trong tương lai gần. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã coi những tuyên bố định kỳ của phương Tây về việc Nga có ý định gây chiến với NATO là vô nghĩa.
Theo Tass và Kyiv Independent