Một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine mà phương Tây không muốn thừa nhận, nhưng đành phải chấp nhận: Để Crimea sáp nhập vào Nga và thiết lập ảnh hưởng ở Ukraine.
Hiện giờ, không một cường quốc nào sẵn lòng lao vào cuộc chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân, để giành giật Crimea, một bán đảo tập trung đa số người Nga và dùng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức. Hơn nữa, Crimea đã được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev “tặng” cho quê hương Ukraine vào năm 1954, khi nước này vẫn nằm trong Liên bang Xô viết.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk (trái) trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ở Washington, DC. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk (trái) trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ở Washington, DC.
Giáo sư Alexander Motyl thuộc Đại học Rutgers (Newark, Mỹ) nói với AFP: “Phương Tây có thể không chõ mũi vào (Crimea) nữa nếu như (Tổng thống Nga Vladimir) Putin thừa nhận chính quyền hiện thời ở Ukraine. Ông ấy (Putin) phải đưa ra bảo đảm rõ ràng và chắc chắn, và phương Tây sẽ đánh giá khả năng vi phạm thỏa thuận lớn đến đâu. Không may là Nga đang hành động dứt khoát để cho thấy họ không dừng lại ở Crimea”.
Nhưng James Nixey của tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London lại cho rằng ông Putin “sẽ không tiến xa hơn nữa, vì đã đạt được những gì ông ấy muốn". “Crimea, thế là đã xong”, Nixey nói với đài truyền hình CNBC.
Hiện giờ thì lập trường công khai của phương Tây không phải như thế. “Nếu diễn ra việc sáp nhập Crimea (vào Nga), chúng tôi sẽ không thừa nhận”, Phó trợ lý an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken nói với CNN.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những nhà lãnh đạo Tây Âu có lập trường thận trọng với Nga, đã khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 sắp tới về việc Crimea sáp nhập với Nga là “bất hợp pháp”.
Các quốc gia vùng Baltic thuộc Liên bang Xô viết trước kia đặc biệt bày tỏ lo ngại. Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) trong một cuộc họp thượng đỉnh khấn cấp ở Brussels “nhận ra rằng việc Nga đang làm là vẽ lại bản đồ và các biên giới thời hậu chiến”.
Nhưng một số nhà phân tích tin rằng mục tiêu chính của ông Putin vừa là trừng phạt chính quyền mới ở Ukraine, đồng thời vẫn muốn duy trì các quan hệ hợp tác với phương Tây.
“Với Nga, mất ảnh hưởng ở Ukraine là một chuyện, nhưng để mất sự kiểm soát Crimea và qua đó là với một trong hai hạm đội lớn của họ là chuyện hoàn toàn khác. Quá khó để họ chấp nhận điều đó”, Erik Nielsen của tập đoàn ngân hàng toàn cầu UniCredit bình luận.
Nielsen cho rằng Putin muốn “trừng phạt Ukraine vì thái độ thân phương Tây, nhưng quan trọng hơn là tìm ra cách không làm gia tăng căng thẳng không thể tránh khỏi với phương Tây”.
Moscow đã mời chào người dân Crimea nhiều quyền lợi như phúc lợi xã hội cao hơn, trong khi bán đảo có khoảng hai triệu dân này nhiều khả năng sẽ trả lời “Có” về việc sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Nhưng nhiều người tin rằng phương Tây sẽ không thừa nhận, ngay cả khi đó là một sự đã rồi.
Trong khi đó, Mỹ hy vọng những lời hứa về quyền tự trị rộng rãi hơn cho Crimea từ Kiev sẽ giúp Ukraine vẫn duy trì được toàn vẹn lãnh thổ.
“Tôi hài lòng khi thấy những bình luận từ quyền Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và những nhân vật khác nói chính quyền Ukraine sẽ mở rộng quyền tự trị cho người dân Crimea,” đại sứ Mỹ đương nhiệm ở Ukraine Geoffrey Pyatt nói với các phóng viên ở Kiev. “Nhưng đây là điều người dân Ukraine phải được quyết định trong khuôn khổ hiến pháp của họ”.
Theo Vietnam+