(ĐSPL) – Khi điện đàm với Tổng thống Mỹ Obama về vấn đề Crimea, Tổng thống Nga đã viện dẫn “tiền lệ Kosovo”.
Trong một bài viết cho CNN, Trợ lý Tổng biên tập báo Anh The Guardian (Người bảo vệ) Simon Tisdall cho rằng bất kể các nhà lãnh đạo Mỹ và Châu Âu nói gì, có một điều rõ ràng là tuyệt đại đa số cư dân Crimea cảm thấy hạnh phúc khi rời bỏ Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Thế nhưng, hành động ly khai này lại vi phạm Hiến pháp Ukraine.
|
Tuyệt đại đa số cư dân Crimea cảm thấy hạnh phúc khi rời bỏ Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. |
Xem ra, hầu hết dân chúng của Crimea, trừ dân tộc Tatar thiểu số và một số ít người Ukraine, đều muốn về với quê cha đất tổ là nước Nga. Mặc dù tỷ lệ cử tri Crimea tham gia trưng cầu dân ý lên đến 83\% có thể bị phóng đại, nhưng bầu không khí lễ hội tưng bừng khi biết kết quả cuối cùng của cuộc trang cầu dân ý là không thể giả mạo.
Trong bối cảnh này, sẽ là không khôn ngoan khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đối tác châu Âu tuyên bố "không bao giờ " chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý vừa qua ở Crimea.
Cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát khi lực lượng đối lập chống Nga ở Kiev đã lật đổ Tổng thống được bầu một cách dân chủ Viktor Yanukovich. Hành động này là bất hợp pháp theo Hiến pháp Ukraine và hầu như không nhận được sự ủng hộ của dân chúng Crimea. Nhưng hành động lật đổ này lại nhanh chóng được Washington và các thủ đô Châu Âu tán thưởng.
Bây giờ, phải đối mặt với cú phản đòn thành công phe đối lập thân Nga ở Crimea và một kết quả chính trị mà ông không thích, Tổng thống Obama từ chối chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama ngày Chủ Nhật (16/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viện dẫn "tiền lệ Kosovo", ngụ ý nhắc nhở việc Mỹ và một số quốc gia Châu Âu ( nhưng không có Nga) ủng hộ Kossovo tuyên bố độc lập năm 2008, khi tỉnh này vẫn là một bộ phận của Cộng hòa Serbia.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn "tiền lệ Kosovo", ngụ ý nhắc nhở việc Mỹ và một số nước Châu Âu từng ủng hộ Kossovo tuyên bố độc lập năm 2008. |
Khi đối đầu với "tiền lệ Kosovo", câu trả lời của các chính phủ phương Tây là “mỗi trường hợp, mỗi khác” và do đó phải được xử lý theo cách khác nhau.
Trong thực tế cũng như trên lý thuyết, sẽ là sai lầm khi vội vã tuyên bố “không bao giờ thỏa hiệp” về Crimea.
Thực ra, vấn đề Crimea đang che khuất một bức tranh lớn hơn. Thách thức chính đối với ông Obama và EU không phải là số phận của Crimea, mà là bán đảo này chính là ngòi nổ khiến cho tương lai của Ukraine nói riêng và khu vực nói chung trở nên bất ổn.
Chỉ có điều, xét theo hành động ở Chechnya và ở các nơi khác kể từ khi ông Putin lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Liên bang Nga vào năm 1999 , Tổng thống Nga hiện nay không phải là người dễ bắt nạt.
Minh Đức (theo CNN)