Vụ việc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2, trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM và một số đơn vị khác thu chi quỹ lớp sai quy định, gây xôn xao, hoang mang cho các bậc phụ huynh.
Theo đó, lớp học này đã biến mình trở nên khác biệt so với các phòng học còn lại trong trường, sau khi sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, nhờ nhận được khoản kinh phí hơn 260 triệu đồng từ quỹ phụ huynh. Gạch lát nền vàng kiểu cũ được thay thế bằng gạch men trắng sáng, các mảng tường vài chỗ bong tróc được ốp gạch men...
Mặc dù số tiền đã được trả lại theo đúng quy định, tuy nhiên không chỉ riêng một trường hợp như thế này, mà ở nhiều tỉnh thành khác, tình trạng tương tự vẫn xảy ra.
Khoản thu sai quy định tại trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM
Đặc biệt, những khoản quỹ lớp như thế này, giáo viên chủ nhiệm sẽ không trực tiếp đứng lên kêu gọi, thu tiếp. Thay vào đó là các đại diện hội phụ huynh. Những người được giáo viên chủ nhiệm tín nhiệm.
Chị Hà (40 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) có 2 con nhỏ hiện đang học lớp 3 và lớp 6 tại trường thuộc quận Thanh Xuân, chia sẻ từ đầu năm đến giờ, chị chuyển khoản mỏi tay các khoản thu từ trường.
Chị tâm sự, không riêng năm nay, các năm khác cũng tương tự. Năm ngoái, đầu năm học chị phải đóng 1,8 triệu tiền quỹ lớp do hội trưởng hội phụ huynh đứng ra kêu gọi. Lớp con gái chị sĩ số 40 học sinh, đóng mỗi học sinh 1,8 triệu với mục đích tặng quà thầy cô, ban giám hiệu nhà trường… Nhưng đến cuối năm các con không còn một đồng quỹ lớp nào để liên hoan.
“Phụ huynh đó đứng lên kêu gọi đóng tiếp nhưng hết năm nên không phụ huynh nào đóng nữa. Tính ra tổng thu quỹ đầu năm cũng lên đến 72 triệu, tiền quà cáp cho thầy cô, ban giám hiệu một năm tính ra cũng chỉ có vài lần. Tôi thắc mắc làm sao tiêu hết được số tiền đó mà đến cuối năm vẫn thiếu, thật sự không thể hiểu nổi”, chị Hà nói.
Ngoài tiền quỹ lớp, tiền ăn bán trú buổi trưa cũng được nhà trường thông báo thu ngay đầu năm
Chị cũng cho biết thêm, những phụ huynh được giáo viên gửi gắm là những phụ huynh nhà có điều kiện, như vậy tiếng nói cũng sẽ dễ hơn. Còn phụ huynh, gia đình điều kiện bình thường như chị, thấp cổ bé họng có lên tiếng cũng sẽ không được đáp ứng.
“Nhiều lúc cũng muốn ý kiến, nhưng sợ ý kiến thì con mình lại bị ghét, nên lại ngậm ngùi mà cho qua”, chị Hà tâm sự.
Cùng chung tâm sự, chị Hạnh (30 tuổi, quê Hải Dương) có con trai hiện đang học lớp 4, cũng đang đau đầu vì nhà trường đang kêu gọi ủng hộ xây dựng bếp ăn bán trú mới. “Mặc dù chưa biết là thu bao nhiêu, hiện cô giáo mới thông báo chi phí xây dựng bếp ăn còn thiếu gần 200 triệu đồng. Nhà trường hiện đang kêu gọi phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện, thời gian tới sẽ không biết thế nào”, chị Hạnh chia sẻ.
Tuần trước, chị mới đi họp phụ huynh cho con trai cô có thông báo thời gian tới sẽ thu quỹ lớp nhưng chưa nói là bao nhiêu. “Cô giáo không đứng ra thu mà sẽ giao cho hội trưởng hội phụ huynh của lớp thu hộ, mục đích để tặng quà cho thầy cô, nhà trường hoặc mua sắm đồ dùng trong lớp, trang trí lớp,…”, chị Hạnh nói.
Chị cũng tâm sự, nhiều năm qua có con học tiểu học, chị nhận thấy hội trưởng hội phụ huynh được giáo viên tin tưởng, là những gia đình có điều kiện. Chính vì thế, họ cũng “hào phóng” hơn trong việc đóng các khoản quỹ. “Họ cứ hô hào phải đóng quỹ mới làm được mọi việc. Nhưng đối với họ là dễ, nhưng với những gia đình không có điều kiện như chúng tôi thì không dễ chút nào”, chị Hạnh tâm sự và cho biết nếu đóng vài trăm thì không sao, nhưng tiền triệu cũng là vấn đề với những gia đình làm nông như chị.
Chị còn cho biết thêm, những khoản này không đóng không được. Nếu không đóng, con của họ sẽ không được cô giáo chú ý. Nói cách khác là những phụ huynh được bầu làm hội trưởng các con của họ sẽ được để ý hoặc có phần ưu ái hơn. Nên nhiều khi chị cùng các phụ huynh khác cũng không dám lên tiếng hay ý kiến.