Năm 2020, đủ các đầu sách với nhiều giá thành khác nhau khiến các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 như lạc vào "ma trận" khi đi mua sách cho con.
Loạn giá sách đầu năm
Năm nay, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, các trường tiểu học sẽ chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để dạy.
Học sinh mọi nơi bắt đầu tựu trường nhưng nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 vẫn không khỏi lúng túng trong việc mua sách giáo khoa và các thiết bị học tập cho con khi học sinh theo học chương trình mới.
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà các Nhà xuất bản đã được bộ GD &ĐT phê duyệt để đưa vào giảng dạy trong năm 2020-2021 thì bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm 9 cuốn có giá 186.000 đồng.
Bộ sách lớp 1 có giá cao nhất là bộ sách Cánh Diều, sách gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng.
Các bộ sách còn lại như Kết nối tri thức với cuộc sống 10 cuốn giá 179.000 đồng, Cùng học để phát triển năng lực 10 cuốn giá 194.000 đồng, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 9 cuốn giá 189.000 đồng.
Các bộ sách giáo khoa vào lớp 1 được bày bán tại các nhà sách trên địa bàn TP.Hà Nội. |
Trong khi đó, giá của bộ sách giáo khoa vào lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình hiện nay là 54.000 đồng, thấp hơn nhiều so với sách mới nhưng chỉ có 6 cuốn: tiếng Việt (hai tập), toán, tự nhiên và xã hội, tập viết (hai tập).
Ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật vào tối 7/9, tại một nhà sách lớn trên địa bàn TP.Hà Nội, khi ngỏ ý muốn mua bộ sách giáo khoa vào lớp 1 cho con, nhân viên của nhà sách này nhiệt tình tư vấn.
Theo đó, giá của các bộ sách giáo khoa được bán tại đây trùng với giá niêm yết mà bộ GD&ĐT đã công bố.
Đối với các bộ sách khác của cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), nhân viên nhà sách cho biết vẫn giống như mọi năm, giá sách không quá biến động và khác biệt so với các năm trước.
Thời đại 4.0 phát triển, phụ huynh muốn mua sách cho con không cần phải mất thời gian đến cửa hàng hay nhà sách để mua. Hiện sách giáo khoa đang được bán tràn lan trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến như Shopee, Tiki,...
Sách giáo khoa vào lớp 1 được bán tràn la trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Ảnh chụp màn hình |
Khi PV tìm mua bộ sách giáo khoa vào lớp 1, hàng loạt các cửa hàng hiện ra với loạt các đầu sách khác nhau, bên cạnh đó là mức giá giữa các cửa hàng cũng có sự chênh lệch. Thậm chí, giá sách giáo khoa ở một số cửa hàng trên các ứng dụng này còn có giá rẻ hơn giá niêm yết.
Sách từ lớp 2 đến lớp 5 cũng xuất hiện đầy đủ trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến này khiến các bậc phụ huynh không biết nên lựa chọn nhà sách nào hợp lý nhất.
Bộ sách Chân trời sáng tạo được bán trên Tiki với giá hơn 128.000 đồng. Ảnh chụp màn hình |
Nỗi lo lắng của phụ huynh
Nhiều phụ huynh cho rằng, năm nay học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên phụ huynh không dám mua sách ngoài thị trường vì sợ sẽ không đủ cho con học hoặc không trùng với sách mà trường dạy nên đăng ký mua sách tại trường.
Cụ thể, chị N.K. (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay, bé thứ 2 nhà chị vào lớp 1, bên cạnh hàng nghìn thứ phải lo như chuẩn bị ba lô, quần áo hay dụng cụ học tập cho con, ... thì việc mua sách giáo khoa là thứ khiến chị K. đau đầu nhất.
Vị phụ huynh cho biết, vì năm học này các bé sẽ theo chương trình mới nên bé nhà chị không thể sử dụng lại sách của anh (học lớp 3 - PV), bản thân chị cũng không biết phải lựa chọn như thế nào vì có quá nhiều đầu sách.
"Nhà trường của bé có ra thông báo các bìa sách cần mua nhưng tôi không thể nắm rõ và cũng thấy quá rắc rối nên đã lựa chọn việc đăng kí mua sách giáo khoa tại nhà trường. Việc mua ở trường vừa nhàn hơn mà vừa đảm bảo con tôi có đủ sách để học khi vào năm học mới", chị K. nói.
"Trước đây, khi bé lớn nhà tôi vào lớp 1, tôi vẫn có thể tự đi mua sách cho cháu được và thời điểm đó cũng chỉ có 1 bộ sách chứ có đến 5 bộ sách như năm nay. Đến bây giờ, cháu lớn đã học lớp 3, việc mua sách của cháu cũng dễ dàng hơn nhiều so với cháu bé, đồng thời, theo đánh giá chủ quan của tôi, giá sách lớp 3 có vẻ như không mấy chênh lệch so với các năm trước", chị K. chia sẻ thêm.
Nhân viên bán hàng tư vấn cho phụ huynh lựa chọn sách cho con vào lớp 1. |
Cùng nỗi lo trên, một phụ huynh có con vào lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân (TP.Hà Nội) nhìn nhận, nhiều đầu sách, vở bài tập cho học sinh vào lớp 1 lo sợ sẽ quá tải với các cháu.
“Ngoài 8 cuốn sách giáo khoa bắt buộc và sách tiếng Anh, con tôi phải mua thêm vở bài tập. Vở này đi kèm theo cũng chiếm chi phí rất lớn mà không biết trong quá trình học có cần nhiều hay không? Có quá nhiều sách vở cho các con mới 6 tuổi, chỉ soạn sách vở đủ cho buổi học đã vất vả rồi, chưa nói đến tiếp thu kiến thức”, vị phụ huynh nói.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh rơi vào hoàn cảnh éo le hơn, chật vật vì không mua được sách cho con.
Chị L.A. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với Đời sống & Pháp luật, do bận một số công việc nên chị bị lỡ lịch đăng ký mua sách tại trường cho con, vì vậy chị phải tự đi mua ở ngoài. Trường học của bé lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Chị A. mua ngoài thị trường với giá 365.000 đồng. Theo yêu cầu của nhà trường thì cần thêm bộ thực hành Toán và Tiếng Việt nhưng do đi tìm "đỏ mắt" tại nhiều nhà sách tại Hà Nội nhưng đều hết nên hiện tại chị vẫn chưa mua được cho con.
"Đăng ký muộn nên trường chốt danh sách rồi, chị phải tự đi mua cho con. Chạy không biết bao nhiêu nhà sách mới mua được bộ sách giáo khoa cho con nhưng vẫn thiếu bộ thực hành. Chị có hỏi giá các phụ huynh khác thì biết được giá bộ thực hành họ mua trước đó là 250.000 đồng", chị A. nói.
Tại một cửa hàng sách lớn trên đường Láng (Hà Nội), cầm tờ giấy ghi rõ những tên sách cần mua cho con vào lớp 1, chị H. (Ba Đình, Hà Nội) với vẻ mặt đầy âu lo vì đây là nhà sách thứ 5 anh đến mà vẫn chưa mua đủ sách cho con học.
Phụ huynh cầm theo tờ giấy ghi danh sách những loại sách giáo khoa cho con. |
Nhân viên nhà sách cho biết: "Hiện tại, hệ thống nhà sách chỉ còn suy nhất bộ sách Cánh diều, các bộ sách khác đều đã hết. Trong vài ngày gần đây, rất nhiều phụ huynh đến có nhu cầu mua sách giáo khoa vào lớp 1 cho con nhưng nhà sách không đáp ứng được do không có bộ sách mà khách hàng nói".
Không chỉ riêng ở Hà Nội, mà rất nhiều địa phương khác cũng xảy ra câu chuyện, học sinh lớp 1 phải “cõng” quá nhiều đầu sách, cả sách giáo khoa và sách tham khảo.
Cụ thể, trong trường hợp của phụ huynh N.A. (tại Hải Dương), con mới vào lớp 1, chị lựa chọn viện đăng ký mua sách tại trường để đảm bảo chất lượng.
"Tôi lựa chọn việc mua sách tại trường để đảm bảo chất lượng, tổng số tiền mua sách cho bé lên đến gần 900.000 đồng. Khi nhận sách tôi cũng không biết có nhưng đầu sách nào, cũng không rõ nhà trường cho học sinh theo học những bộ sách nào, chỉ biết có nhiều sách. Số tiền này đúng là hơi cao hơn so với mọi năm nhưng chắc do chương trình mới nên tôi cũng không có suy nghĩ gì nhiều", chị A. nói.
Trước tình trạng phụ huynh gặp áp lực khi mua sách cho con vào lớp 1, ngày 4/9/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã dược quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo . Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. |
Thủy Tiên