Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

(DS&PL) -

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2019.

Sáng 8/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo.

Đánh giá về công tác này trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng cổ phần hoá vẫn rất chậm. Việc chuyển giao quyền sở hữu Nhà nước sang SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO còn ít (hiện còn 796 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa niêm yết). Một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị DN.

"Nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị DN,... mất nhiều thời gian" - Phó Thủ tướng đánh giá.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hoá, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ việc đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán DN có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hoá kéo dài thêm từ 6 - 12 tháng.

Ngoài ra, còn nguyên nhân là lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.

"Tinh thần cẩn trọng là đúng và từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hoá thoái vốn trong thời điểm này, Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ cũng không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả" - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng cho rằng, cổ phần hóa chậm có trách nhiệm chính của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện và cách hiểu khác nhau tại các Nghị định: Nghị định số 126/2017/NÐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 132/2007/NÐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định 167/2017/NÐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong đó, tập trung gỡ vướng nhất hiện nay là sắp xếp nhà đất và xử lý tồn đọng về tài chính của doanh nghiệp.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2019.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, việc nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không đúng kế hoạch đã được phê duyệt đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài, nhà đầu tư khó lòng kiên nhẫn đợi chờ, mà dòng tiền sẽ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.

Hy vọng, với việc chỉ rõ các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa và có nguy cơ chậm cổ phần hóa, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, tiến trình cổ phần hóa sẽ thoát ra khỏi tình trạng đình trệ kéo dài.

Theo Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, địa phương đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 DN thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991. Trong đó, tổng giá trị DN là 680,86 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã IPO 5 DN, 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng.Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước cổ phần hóa 162 DN (trong đó có 35 DN thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, đạt 27,5% kế hoạch đề ra) với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa cả giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỷ đồng).

Về thoái vốn nhà nước tại DN, 6 tháng đầu năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 30 DN với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách), trong đó: số DN thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg là 10 DN với giá trị sổ sách là 1.011,384 tỷ đồng, thu về 2.007,768 tỷ đồng.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật