Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã "làm sạch" hơn 16 triệu tài khoản ngân hàng

  • Bảo An
(DS&PL) -

Phó Thống đốc NHNN cho biết đã có 16,6 triệu tài khoản được ngân hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học sau khi đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an trong 3 ngày qua

Hoàn toàn không có tình trạng "ách tắc"

Sáng nay (4/7) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo. 

Trong phần phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến hoạt động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trong thời gian qua. Đặc biệt là kết quả sau 3 ngày thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN (Quyết định 2345).

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng công tác bảo đảm an ninh, an toàn;...

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt hơn 100%/năm.

Đề cập đến việc thực hiện theo Quyết định 2345 của Thống đốc NHNN, ông Dũng khẳng định tình trạng dùng giấy tờ giả để mở và truy cập vào tài khoản sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận. "Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả" - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng thông tin về kết quả thực hiện Quyết định 2345: “Con số này bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. 30 năm qua chúng ta mở được 170 triệu tài khoản, riêng trong hôm qua làm sạch được 16,6 triệu tài khoản. Ngân hàng nhiều nhất đã xác thực khoảng 2,6 triệu khách hàng. Riêng trong ngày 1/7, có ngân hàng tăng 10 - 20 lần so với ngày thường về lượng tài khoản xác thực”

Đặc biệt những phản ánh về thông tin việc cài đặt sinh trắc học gây "ách tắc" khi thực hiện giao dịch qua các app ngân hàng, Phó thống đốc khẳng định là hoàn toàn không có. "3 ngày vừa rồi là những ngày vô cùng căng thẳng của toàn ngành Ngân hàng. Toàn ngành đã dồn lực, NHNN kiểm soát giao dịch từng giờ. Đến ngày 2 và ngày 3/7, hệ thống ngân hàng đã thông suốt", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính-ngân hàng, NHNN tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, chú trọng khai thác thông tin CCCD gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng.

Cảnh báo "nghề" lừa đảo qua không gian mạng

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đề cập đến tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một số chiêu thức lừa đảo điển hình như: Mạo danh cơ quan cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín; Lừa đảo đầu tư, việc làm, thương mại điện tử; Các chiêu trò lừa cạm bẫy tình cảm... Tất cả các chiêu trò đều nhằm đến mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, việc lừa đảo trong ngành ngân hàng giờ đây đã trở thành một "nghề kiếm tiền" của nhiều đối tượng, thậm chí là đem lại lợi nhuận rất cao. Vì vậy, có lực lượng không nhỏ trong xã hội tham gia và coi đây như nghề nghiệp kiếm tiền.

Các băng nhóm tội phạm lừa đảo trong ngành ngân hàng đã phân chia nhiệm vụ rất chuyên nghiệp. Đơn cử, một nhóm chuyên tìm kiếm “con mồi” (người già về hưu, người không rành sử dụng công nghệ, không nghề nghiệp nhưng có nhu cầu kiếm tiền,…); Nhóm mua gom các tài khoản ngân hàng hoặc chuyên lập tài khoản ngân hàng ảo; Nhóm chuyên nghĩ kịch bản, sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành công an, ngân hàng rất chuẩn; Nhóm xử lý dòng tiền,...

Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy, nhóm đối tượng lừa đảo có hàng nghìn sim để chuyên xử lý dòng tiền lừa đảo. Các sim này đều tài khoản không chính chủ. Theo đại diện Bộ Công an, với chính sách xuất nhập cảnh mở cửa như hiện nay, các đối tượng dịch chuyển ra nước ngoài, lừa đảo xuyên quốc gia vô cùng phổ biến nên truy dấu và bắt giữ đối tượng rất khó khăn.

Từ thực tế trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề xuất ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện thật tốt Quyết định 2345 (Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền). Đây là giải pháp cơ bản để loại bỏ tài khoản không chính chủ mà các đối tượng lừa đảo đang áp dụng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục công tác tuyên truyền cho khách hàng, bảo vệ khách hàng trên rất nhiều kênh, trước tiên là trên các ứng dụng điện tử; Đồng thời gia tăng củng cố hệ thống công nghệ thông tin, triển khai phân tích bằng dữ liệu lớn (BigData) về phương thức sử dụng tài khoản của khách hàng của mình để nhận diện dữ liệu các khách hàng của mình.

Tin nổi bật