ĐS&PL: Thưa ông, ngày 1/7/2022 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Là người làm công tác pháp luật, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình về Chỉ thị này?
TS.Trần Công Phàn: Có thể nói, việc ban hành Chỉ thị 14 cho thấy Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định Hội Luật gia là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp và giao thêm một số nhiệm vụ, điều đó rất đúng và phù hợp với việc chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Bởi lẽ, Hội Luật gia Việt Nam là Hội của những người làm luật, hội viên là những người tốt nghiệp Đại học Luật hoặc tốt nghiệp đại học về chuyên ngành khác nhưng đã làm công tác pháp luật trên 3 năm. Vì thế, Hội Luật gia sẽ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trước hết, Hội là một tập hợp đông đảo giới luật gia có kiến thức pháp luật nên đó là thế mạnh mà Hội phải có trách nhiệm trong vấn đề xây dựng pháp luật. Hội đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý với người dân nhất là quan tâm đến nhóm yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Việc Bộ Chính trị có một Chỉ thị riêng về công tác Hội Luật gia đây là niềm vui chung của giới Luật gia nhưng để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị đòi hỏi trách nhiệm của các hội viên Hội Luật gia cũng cần phải nâng cao hơn nữa.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn.
ĐS&PL: Chỉ thị 14 khẳng định Hội Luật gia Việt Nam đã có bước phát triển tích cực; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý; phản biện xã hội, giám sát thi hành pháp luật; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật..., đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin ông chia sẻ về những gì Hội Luật gia đã làm được suốt thời gian qua, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật?
TS.Trần Công Phàn: Hội Luật gia Việt Nam rất tích cực tham gia có trách nhiệm cao trong việc xây dựng chính sách, pháp luật. Hội cũng là một trong số ít các tổ chức đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Hội tham gia nhiều Ban soạn thảo, Tổ Biên tập các dự án Luật, pháp lệnh, thông tư theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Chính phủ (trên 30 dự án Luật) và các văn bản quy phạm pháp luật.
Để tập hợp được nhiều ý kiến tham gia vào quá trình xây dựng luật, Hội cũng tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Trung ương Hội mỗi năm tổ chức khoảng 30 cuộc hội thảo và nhiều nghiên cứu độc lập khác...
Tham gia rà soát, khảo sát, tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật, các cấp Hội thường xuyên phát hiện những bất cập, mâu thuẫn hoặc những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời, tham gia xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước văn hóa và các quy định tự quản khác ở địa phương, đơn vị, cơ sở...
Trong năm 2022, Hội cũng đã tổ chức góp ý kiến đối với 17 dự thảo văn bản gồm: Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ; dự thảo Luật Thi đua khen thưởng; dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm; dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)...
Xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động nhằm tham vấn cho các cơ quan chức năng trong việc sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới như: Tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ”. Hội thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá chính sách, pháp luật và thực tiễn về thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với thị trường bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung ương Hội thành lập tổ chuyên gia trong lĩnh vực đất đai gồm các chuyên gia hiện đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, cán bộ thực tiễn trong việc quản lý đất đai để đóng góp ý kiến với dự án luật.
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức được gần 800 hội nghị, tọa đàm góp ý kiến và tham gia đóng góp hơn 10.800 ý kiến xây dựng các văn bản của Trung ương và địa phương, điều đó cho thấy các cấp hội tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Cùng với đó, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp Hội tích cực tham gia và đạt được những kết quả đáng ghi nhận...
ĐS&PL: Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Trọng tài thương mại, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm xin ý kiến của nhiều chuyên gia, xin ông cho biết ý nghĩa của việc sửa đổi hai dự án Luật này?
TS.Trần Công Phàn: Có thể nói, Luật Đất đai (sửa đổi) là một luật khó và vướng, khi sửa đổi liên quan đến rất nhiều Luật khác nhau. Quốc hội đã cho ý kiến Luật này lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và còn cho ý kiến tại 2 kỳ họp tiếp theo trước khi thông qua. Về phía Hội Luật gia Việt Nam cũng như cá nhân tôi trong chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Riêng về Luật Đất đai, Hội đã thành lập tổ chuyên gia phối hợp với ban soạn thảo, tôi cũng trực tiếp tham gia ban soạn thảo, nghiên cứu sớm và nghiên cứu tương đối đầy đủ hệ thống, đặc biệt báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Đất đai hiện hành để tìm ra vướng mắc, khó khăn, hạn chế. Từ đó, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung. Năm 2022, Hội tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm đã tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, những người làm thực tiễn trong Luật Đất đai. Qua đó tập hợp, báo cáo tổng kết gửi UBTVQH và các cơ quan có trách nhiệm trong việc soạn thảo, thẩm tra dự án luật, phục vụ cho việc góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua. Hội sẽ tiếp tục có những nghiên cứu và đóng góp cho những ý kiến vào các vấn đề cụ thể tại các kỳ họp tới.
Đối với Luật Trọng tài thương mại đây là thiết chế nếu được quy định và tổ chức thực hiện tốt sẽ mở ra cơ chế giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp được nhanh hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương tăng cường, mở rộng hoạt động trọng tài cũng như thương lượng trong quá trình giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phục vụ tốt hơn cho việc các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế nước ta.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại theo kế hoạch số 81 của UBTVQH, trong năm 2022, Hội Luật gia đã tổ chức các Hội thảo, tọa đàm Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Hội thảo nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các Trung tâm trọng tài thương mại, các cơ sở nghiên cứu, các đào tạo, các cơ quan pháp luật.
Hội thảo nêu ra nhiều vấn đề vướng, hạn chế của Luật Trọng tài thương mại hiện hành và cần thiết đề suất sửa đổi. Chúng tôi đang xây dựng báo cáo trình UBTVQH và các cơ quan TVQH đề nghị sửa đổi Luật này sớm để góp phần giải quyết tranh chấp cho các doanh nghiệp nhanh, gọn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong năm 2023 Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ này và sẽ chủ động xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Trọng tài thương mại nếu được UBTVQH chấp thuận.
Tập trung nghiên cứu, góp ý kiến cho các dự án Luật.
ĐS&PL: Với vai trò là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ông cùng các hội viên sẽ làm gì để thực hiện tốt các nhiệm vụ Chỉ thị 14 đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo?
TS. Trần Công Phàn: Trước hết, các cấp Hội và các hội viên phải nêu cao trách nhiệm và tích cực chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chủ động đề xuất với các cấp chính quyền về những việc mà Hội sẽ đứng ra làm; Chủ động tăng cường mở rộng quan hệ giữa các đơn vị trong và ngoài Hội, tổ chức thực hiện có hiệu quả các việc đề ra hoặc các việc được giao.
Các cấp Hội chủ động đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức tốt các cuộc hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và theo kế hoạch của Trung ương Hội đã đề ra.
Trong năm 2023, cần tập trung vào nghiên cứu, góp ý kiến cho các văn bản luật Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật là đơn vị giúp cho Trung ương Hội Luật gia trong việc xây dựng pháp luật, phải tiếp tục mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Hội để tổ chức hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến với nhiều hình thức, quy mô khác nhau làm sao tập hợp được nhiều ý kiến của các cấp Hội và hội viên tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Đồng thời, Trung ương Hội Luật gia sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại để đề xuất sửa đổi Luật này. Cùng với việc tham gia xây dựng luật, các cấp hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2027” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hoàn thiện Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng...
Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi tin tưởng rằng trong năm 2023 các cấp Hội sẽ cùng với Trung ương Hội thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật mà Chỉ thị 14 đã đề ra.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Bích
Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp số 10+11+12 (12/1 đến 14/1/2023)