Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Trần Công Phàn: "Để doanh nghiệp phát triển năng động, sáng tạo nhưng không vượt rào"

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Theo TS. Trần Công Phàn, những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt phát triển bền vững điều quan trọng là các chính sách về pháp luật phải đồng bộ, toàn diện, cùng với đó là ý thức của mỗi con người.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khoá XV về vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật để phát huy nội lực kinh tế trong nước dưới góc nhìn của người làm luật.

Đừng đổ lỗi do chính sách mà lợi dụng “kẽ hở” để sai phạm 

TS. Trần Công Phàn cho rằng doanh nghiệp phát triển năng động, sáng tạo nhưng không vượt rào. (Ảnh: Trọng Tùng)

ĐS&PL: Xin ông đánh giá về việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế của nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 Chính phủ đã ban hành một Chương trình phục hồi kinh tế chưa từng có với quy mô lớn nhất từ trước đến nay 350.000 tỷ đồng?

Ông Trần Công Phàn: Có thể nói, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý và có những chính sách để phát huy được tất cả khả năng trong xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định chính trị để phát triển kinh tế…

Trong những năm gần đây, tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng đều rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều mặt khác. Trước những khó khăn đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm trong việc đưa ra chính sách thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ngay sau khi được bầu, Quốc hội khóa XV đã bàn ngay đến việc làm sao thực hiện tốt mục tiêu kép, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là điều chưa từng có trong tiền lệ. Bên cạnh đó, đã tiến hành sửa đổi ngay những luật liên quan xuất phát từ tình hình thực tiễn… đây là tư tưởng nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

ĐS&PL: Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân trong đóng góp kinh tế đất nước trong những năm qua?

Ông Trần Công Phàn: Phải nói rằng, những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua rất lớn, góp phần để các chỉ tiêu phát triển kinh tế của nước ta cơ bản đạt và vượt kể cả trong những năm gần đây, chịu sự ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

ĐS&PL: Báo cáo mới nhất của Trung tâm Dự báo và Phát triển kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về 500 doanh nghiệp tư nhân trong nước đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và trong nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ ít tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Ông Trần Công Phàn: Trong tổng thể nền kinh tế trong nước, chúng ta có các doanh nghiệp lớn, nguồn vốn lớn nhưng cũng có doanh nghiệp nhỏ. Một số doanh nghiệp nhỏ cho rằng doanh nghiệp lớn hơn được ưu tiên nhiều hơn, còn doanh nghiệp nhỏ không có đất để phát triển. Tôi cho rằng điều này cần phải nghiên cứu, đánh giá có một chính sách toàn diện để các doanh nghiệp đều phát huy được năng lực của mình. Nếu như “cá lớn nuốt cá bé” hoặc chỉ tạo ra cơ chế để những doanh nghiệp có vốn, có tiền tham gia còn những doanh nghiệp nhỏ quy mô nhỏ bị hạn chế thì đây là điều cần phải xem xét. Vì vậy, Nhà nước cũng đang có chính sách để phát huy được vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ĐS&PL: Bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua nhiều vụ án về kinh tế bị phanh phui như: Tân Hoàng Minh, FLC… điều này có phải do chính sách về cơ chế của chúng ta chưa đủ mạnh dẫn đến những vụ án gây rúng động dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư?

Ông Trần Công Phàn: Chúng ta vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng cũng xử lý nghiêm những vấn đề mà các đơn vị, doanh nghiệp làm sai. Việc xử lý các vụ án kinh tế, các tiêu cực thời gian qua cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, qua những vụ án kinh tế cho thấy có những nguyên nhân liên quan đến chính sách kinh tế, lừa đảo đất đai, thu hồi, bồi thường giá, đấu thầu, chỉ định thầu… gây thiệt hại cho Nhà nước rất lớn.

Vừa qua có những vụ án như vậy, một mặt cũng khẳng định có nguyên nhân từ những bất cập trong chính sách, pháp luật cần phải sửa. Nhưng, không phải tất cả đổ lỗi do chính sách mà dẫn đến lợi dụng “kẽ hở” để sai phạm, tôi cho rằng còn do yếu tố con người và tổng hòa những nguyên nhân khác. Vì nếu phát hiện chính sách, pháp luật có những nội dung chưa phù hợp, chưa đúng thì chúng ta có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi chứ không phải lợi dụng những “kẽ hở” đó để vi phạm, phạm tội.

Câu chuyện là làm sao phát triển kinh tế nhưng phải làm đúng, giữa năng động, sáng tạo nhưng không vượt rào; làm sao để phát huy, huy động được thế mạnh của tất cả doanh nghiệp, các tổ chức trong phát triển kinh tế nhưng không vượt quá giới hạn cho phép.

Cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động gỡ vướng

ĐS&PL: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này?

Ông Trần Công Phàn: Hiện nay, vẫn còn những vi phạm trong quản lý kinh tế, những tranh chấp vụ án dân sự, hình sự có liên quan đến kinh tế… Theo tôi, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tính năng động sáng tạo của mình nhưng không được vượt khuôn khổ pháp luật cho phép, không vượt rào, để hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế 

Thêm nữa, trong quá trình vận hành các doanh nghiệp cần phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong chính sách pháp luật từ đó đề xuất, kiến nghị gỡ vướng là điều cần thiết mà không nên ỉ lại do cơ chế thiếu dẫn đến sai phạm. Điều đó, là không thể chấp nhận được.

Tới đây, Trung ương sẽ có Nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôi cho rằng chúng ta phải nghiên cứu, học tập và cố gắng thực hiện nguyên tắc pháp luật là thượng tôn. Muốn pháp luật là thượng tôn thì trước hết phải tập trung để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện và có tính khả thi cao và khi đã trở thành pháp luật rồi thì ai cũng phải chấp hành, không có ngoại lệ.

ĐS&PL: Là cơ quan nghiên cứu, xây dựng và phản biện các văn bản pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng, đóng góp nhiều văn bản luật trong việc cải cách chính sách nhằm phát huy nội lực kinh tế trong nước. Ông có thể chia sẻ về những điểm nhấn trong quá trình xây dựng những ý kiến trong các văn bản luật này?

Ông Trần Công Phàn: Hội Luật gia Việt Nam rất chủ động trong việc tập hợp, lấy ý kiến và tham vấn pháp lý trong việc xây dựng các luật, văn bản pháp luật, Hội Luật gia bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội để có những góp ý cụ thể vào từng dự án luật, chẳng hạn, đối với Luật Đất đai, Hội Luật gia xác định đây là một dự án luật quan trọng, nhưng cũng rất khó. Với tư cách vừa là thành viên soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội đã sớm lập ra những nhóm chuyên gia để nghiên cứu sâu các vấn đề và hiện đang lên kế hoạch tổ chức nhiều Hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia góp ý vào chi tiết từng vấn đề, từng cụm vấn đề. Ví dụ, trong tháng 5/2022, Hội Luật gia cũng đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ”, đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm liên quan.

Gần đây, sau tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị số 14 CT/TW ngày 01/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Điều này ngày càng khẳng định rõ và sâu sắc vị trí vai trò của Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp.

Có thể nói, đội ngũ hội viên của Hội rất đông đảo và có trình độ từ Đại học trở lên, đã và đang công tác trong cơ quan pháp luật. Vì thế, nếu phát huy tốt thì đây cũng là một nguồn quan trọng sẽ có những đóng góp rất tốt trong xây dựng, góp ý, phản biện các vấn đề về chính sách, luật.

Ngoài ra, để pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống thì việc tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp và tư vấn là việc mà Hội Luật gia cũng đã và tiếp tục cần làm tốt.

ĐS&PL: Hội Luật gia cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị, ký kết hợp tác giữa các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân ông nhận thấy điều mà các doanh nghiệp này vướng nhất là gì?

Ông Trần Công Phàn: Doanh nghiệp họ không chuyên về pháp luật, nhưng lại có trách nhiệm làm đúng pháp luật, vì thế trong quá trình thực hiện nếu doanh nghiệp có vướng mắc ở đâu thì Hội Luật gia có thể hỗ trợ, cùng doanh nghiệp nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc.

Tuy nhiên, cả nước có rất nhiều doanh nghiệp, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì thế có nhiều vấn đề bản thân Hội Luật gia cũng không thể giải quyết hết được. Cho nên, những vấn đề mới, khó về góc độ pháp luật còn băn khoăn thì các địa phương, các doanh nghiệp có thể tập hợp gửi ý kiến đến Hội Luật gia.

Hội Luật gia sẽ phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm, trao đổi với các chuyên gia…để có ý kiến giải đáp về những vướng mắc cụ thể. Có như vậy thì Hội Luật gia sẽ là cầu nối giữa pháp luật với các đơn vị, doanh nghiệp.

ĐS&PL: Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ lần đầu cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), được biết ông là thành viên trong ban soạn thảo. Ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ khi Luật này được sửa đổi?

Ông Trần Công Phàn: Như tôi đã từng chia sẻ, các vụ án dân sự, kinh tế, hình sự hiện nay đều có nguyên nhân từ đất đai. Quốc hội quan tâm đặc biệt đến việc sửa đổi Luật Đất đai, chương trình của Quốc hội dành 3 kỳ họp cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai.

Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết này đã đưa ra nhiều chính sách rất mới trong đất đai như vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bỏ khung giá đất… làm cơ sở chính trị để sửa đổi Luật Đất đai. Phấn đấu đến hết năm 2023 sửa xong Luật Đất đai và các Luật khác liên quan. Với mục tiêu để đất đai thực sự trở thành tài sản, nguồn lực để phát triển kinh tế tốt hơn.

Trong chương trình hành động tranh cử ĐBQH khóa XV tôi cũng rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đất đai. Vì thế, tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung. Tôi mong muốn rằng, khi Luật Đất đai được sửa đổi sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế hiện nay, trong đó có những vướng mắc, khó khăn về phía cộng đồng doanh nghiệp.

ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Bích

Bài đăng trên ấn phẩm báo giấy Tạp chí ĐS&PL - Số chuyên đề Doanh nhân Việt Nam 13/10

Tin nổi bật