Theo TS Võ Mai, vấn đề thực phẩm an toàn đang rất cấp bách, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) triển khai. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng ngay điều luật về thực phẩm an toàn, trong đó có rau an toàn, rau hữu cơ để không bị loại khỏi cuộc chơi.
Thị trường rau an toàn chưa làm được, nói gì tới hữu cơ
Thưa bà, thực phẩm hữu cơ không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, khái niệm thực phẩm hữu cơ còn mơ hồ?
Việt Nam chưa có một định nghĩa thế nào là hữu cơ và chưa có một điều luật nào quy định tiêu chuẩn hữu cơ là phải thế nào? Với rau, củ, quả chỉ mới đề cập tới dư lượng thuốc BVTV trong, dưới hay vượt ngưỡng cho phép, tức là mới dừng lại ở thực phẩm an toàn nói chung, rau an toàn nói riêng.
TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam trò chuyện với ĐS&PL |
Tại sao đến nay VN chưa thể đưa ra khái niệm, điều luật về thực phẩm hữu cơ nói chung, rau hữu cơ nói riêng?
Có nhiều nguyên nhân, như thổ nhưỡng, mặt bằng dân trí, điều kiện kinh tế, sản xuất hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì. Đặc biệt, trong đó có nguyên nhân về tầm nhìn quản lý, chiến lược. Nhưng một thực tế, VN chưa làm được thị trường rau an toàn, nói gì tới hữu cơ. Hữu cơ tại VN hiện mới chỉ dành cho người giàu.
Để sản xuất rau củ quả hữu cơ, có nhiều chỉ tiêu như đất, nước, phân, giống... nhưng tiêu chuẩn số một đối với VN là đất, loại trừ trường hợp trồng bằng giá thể. Thời gian qua một số nơi công bố được tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm trồng hữu cơ, nhưng theo tôi, một số nơi như Tây Nguyên, Đồng Nai… thời chiến tranh bị ảnh hưởng chất độc da cam đến đâu, chưa có một công bố cụ thể nào.
Mặt khác, khi một số thuốc BVTV quá độc bị cấm như DDT, HCH, số tồn kho, thu hồi lại chưa có khu phân hủy, buộc phải đưa vào các trại, rừng (chủ yếu là miền Trung) để chôn, cũng ảnh hưởng môi trường đất, nước. Vì thế, một số nơi sản xuất hữu cơ tại Việt Nam như ở Cà Mau, vùng Đồng Tháp Mười, Đà Lạt không có chất độc da cam thì hy vọng đúng rau hữu cơ, còn những nơi khác chỉ là rau an toàn.
Có cơ sở chứng nhận hữu cơ từ một số tổ chức nước ngoài, trong khi VN chưa có một quy định gì về thực phẩm hữu cơ, như vậy làm thế nào kiểm soát được thị trường thực phẩm hữu cơ, và làm sao người dân tin tưởng được chứng nhận đó là thật và thực phẩm đạt hữu cơ thật?
Đó là vấn đề cần bàn, cái gì đảm bảo nó là hữu cơ khi đất nước sở tại cũng chưa có một khái niệm rõ ràng về hữu cơ. Ngay như VietGAP, trên thị trường còn chưa có nhãn mác theo quy định, những ai được chứng nhận VietGAP mới được dán nhãn? Phía Nam có 7 đơn vị được Bộ NN&PTNT cho phép chứng nhận VietGAP, nhưng khi xảy ra tranh chấp giữa Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT thì đến giờ cũng chưa có đơn vị nào được chứng nhận.
Đó thuộc về trách nhiệm điều hành của Nhà nước. Lẽ ra nhà nước phải biết, ban hành và quản lý nhãn này, phải có quy định, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, không thể thả nổi như vậy. Nông dân trồng nhưng không bán trực tiếp mà qua thương lái, hàng hóa VietGAP cũng để thương lái mua bán trà trộn. Hậu quả, một số sản phẩm xuất khẩu bị chết yểu như vú sữa Lò rèn, bưởi Năm roi..., với thực phẩm hữu cơ cũng tương tự.
Những vườn rau được cho là hữu cơ tại TP.HCM nếu đúng thì chỉ được coi là “theo hướng hữu cơ”. |
Muộn còn hơn không
Vậy để thực hiện mô hình thực phẩm, rau hữu cơ tại Việt Nam cần điều kiện gì, thưa bà?
Trước đây Việt Nam xịt thuốc BVTV vô tội vạ. Tôi còn nhớ dịch rầy nâu, châu chấu, cào cào, cả nước phát động phong trào phải diệt bằng thuốc BVTV mới dẹp được nạn, thậm chí còn dùng cả máy bay phun thuốc để diệt. Cho nên, muốn làm hữu cơ cho rau, củ, quả phải cần thời gian 5-10 năm chuẩn bị bước đệm, muộn còn hơn không, khoảng thời gian này không phải là quá lâu, quan trọng là Nhà nước có quyết tâm hay không?
Cụ thể hơn về các bước đệm từ rau an toàn lên hữu cơ?
VN phải đưa ra được luật thực phẩm hữu cơ của nước mình với điều kiện đất thế nào là đất hữu cơ. Quy hoạch khu vực sản xuất, thực hiện các chỉ tiêu như không dùng thuốc BVTV, phân bón hóa học trong khu vực đất trồng từ 5-7 năm, xử lý nguồn nước… Các bước đệm chuẩn bị cho quy trình rau hữu cơ VN hoàn toàn có thể thực hiện, nhưng phải từ sản xuất rau an toàn, thực hiện bằng được VietGAP trong cả nước để trụ vững khi vào CPTPP.
Tôi là người đưa VietGAP về VN. Khi là Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, tôi đi họp ở Viện lúa Quốc tế, nghe họ báo cáo về sản xuất an toàn. Sau lần đó, tôi cùng một số đồng chí bên Cục Trồng trọt sang Malaysia học hỏi xin tài liệu, về tổ chức hội thảo, mời chuyên gia Bộ Nông nghiệp Thái lan đã thực hiện ThaiGAP sang báo cáo để mình tham khảo. VietGAP tại VN ra đời vào năm 2007, nhưng tới nay vẫn chưa đâu vào đâu. Cái khó là mình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Theo bà, cần giải pháp vĩ mô như thế nào?
Con đường duy nhất muốn sản xuất thực phẩm an toàn, lên hữu cơ, đứng vững trong CPTPP là phải thành lập hợp tác xã (HTX), hợp tác hóa, liên minh HTX với doanh nghiệp, quy hoạch thành vùng sản xuất, làm kế hoạch phải trên cơ sở thực tế thị trường. Không để cho một số doanh nghiệp tự chứng nhận thực phẩm an toàn, mà giao cho Sở Nông nghiệp từng tỉnh, tỉnh giao cho Hội Khuyến nông hướng dẫn thực hiện, có thể 6 tháng một lần Chi cục BVTV đi kiểm tra, nhắc nhở.
Tôi đang thực hiện chủ chương xây dựng HTX kiểu mới đó là liên minh HTX với công ty, doanh nghiệp sản xuất. Giám đốc doanh nghiệp sẽ là giám đốc HTX. Hiện có HTX Thanh Long tại Long Trì (Long An) và HTX Nông nghiệp Trái cây Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang). Mỗi tỉnh xây dựng một mô hình HTX kiểu mới rồi nhân rộng ra.
Xin cảm ơn bà.
"Trước tình hình thực phẩm an toàn hiện nay của VN, làm sao để người dân biết, tin tưởng nguồn thực phẩm là an toàn, rau, củ, quả là đạt tiêu chuẩn VietGAP hay hữu cơ? Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm, vì khâu sản xuất an toàn ngay từ đầu là quan trọng, không thể để câu hỏi bị bỏ ngỏ", TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam |
Quỳnh Hương (thực hiện)