Sáng 3/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng, ông Nguyễn Đức Long – Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng (Cơ quan thanh tra Giám sát Ngân hàng) cho biết đây là một vấn đề tương đối phức tạp, được NHNN đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Đức Long, pháp lý hiện nay có quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần nhằm hạn chế việc chi phối các tổ chức tín dụng. “Thực tế, trong trường hợp các ông chủ ngân hàng, cổ đông lớn có biện pháp che giấu thì việc theo dõi, giám sát là rất khó”, lãnh đạo Cơ quan thanh tra Giám sát Ngân hàng nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Đức Long – Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng (Cơ quan thanh tra Giám sát Ngân hàng).
Thông tin thêm, Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng cho biết trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, NHNN đã tham mưu nhằm đưa ra các quy định phù hợp để góp phần hạn chế sở hữu chéo. Dù vậy, NHNN rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ban ngành trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
XEM THÊM: Phó Thống đốc Đào Minh Tú: "Không chấp nhận chênh lệch quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế"
Trong đó, ngoài các chỉ đạo về công tác điều hành tín dụng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước và các đơn vị liên quan tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm rủi ro và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.
Hiếu Nguyễn