Lúc 11h30 ngày 26/12, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 79 - 80,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng, cũng là ngưỡng cao nhất lịch sử tính đến thời điểm này.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 79,2 - 80,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,3 triệu đồng/lượng.
Điều đáng nói, trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng tăng theo từng phút, chỉ chưa đầy 3 giờ đồng hồ, vàng đã tăng tới 1,4 triệu đồng/lượng, theo báo VTC News.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. Ảnh: Người lao động
Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh giá vàng SJC tăng mạnh lên tới 80 triệu đồng/lượng, sức mua của người dân không diễn ra trên diện rộng. Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình thị trường.
Theo Phó Thống đốc, giá vàng trong và ngoài nước đang nóng lên có một phần nguyên nhân từ đồng USD trên thị trường giảm giá, tỷ giá VNĐ/USD ổn định và ngày hạ nhiệt.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tuy sức mua vàng miếng SJC không nhiều, chưa ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế - xã hội nhưng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các khuôn khổ pháp lý Nghị định 24 để tính đến việc quản lý thị trường vàng phù hợp tình trong và ngoài nước.
Về phía chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời điểm hiện tại đầu tư chứng khoán đang trong giai đoạn bấp bênh, đồng thời lãi suất liên tục giảm, bất động sản ứ đọng.
Do đó, dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý với tâm lý mua vàng để đảm bảo an toàn vốn. Trong khi đó, nguồn sản xuất vàng SJC khan hiếm, điều này càng đẩy giá mặt hàng này lên cao, nhà đầu tư cũng có tâm lý mua vàng SJC để dễ mua bán và không bị “mất giá”.
Ngoài ra, do đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên cũng kích thích giá vàng tăng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính – ĐH Kinh tế TP.HCM, sau thông tin Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đưa ra quyết định sẽ giảm 3 lần lãi suất trong năm 2024 nhiều khả năng làm cho đồng USD yếu đi.
Khi đồng USD yếu đi thì giá vàng thế giới sẽ có xu hướng tăng lên. Tác động thứ hai là yếu tố mùa vụ, do xu hướng tiêu thụ vàng nhiều vào thời điểm cuối năm.
Giá vàng SJC chính thức phá đỉnh 80 triệu đồng/lượng. Ảnh: Người đưa tin
Đưa ra dự báo về diễn biến giá vàng trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, thời điểm hiện tại nhà đầu tư mua vàng tỉ lệ rủi ro sẽ cao. Tuy nhiên, điều này vẫn phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư, thời điểm hiện tại mua vào và đến ngày Thần tài (mùng 10/1 âm lịch) bán ra thì có thể vẫn có lời, tuy nhiên sự chênh lệch sẽ không quá lớn.
Về phía người bán, ông Huân cho rằng “khoảng hơn 1 tháng nữa là sẽ đến Tết âm lịch, thường giá vàng trong nước tăng mạnh, đặc biệt là ngày mùng 10 Vía Thần Tài, giá vàng sẽ lập đỉnh. Nếu như muốn bán trong giai đoạn này thì họ sẽ chờ thêm 1 tháng nữa thì sẽ bán được giá cao hơn rất nhiều so với hiện tại”, thông tin trên tạp chí Người đưa tin.
Không lâu sau khi thiết lập mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng/lượng, lúc 13h30 ngày 26/12, giá vàng SJC đầu giảm về 79,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức giảm khoảng 800.000 đồng so với mức đỉnh. Tới 13h50, vàng SJC tiếp tục giảm nhanh xuống 77,7 triệu đồng/lượng mua vào, 79,2 triệu đồng/lượng bán ra, mất gần 1 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh buổi sáng. |
Vân Anh (T/h)