Báo Giao thông đưa tin, Bộ GTVT vừa phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, giao Ban QLDA đường sắt làm chủ đầu tư. Phạm vi đầu tư là khu đoạn đường sắt với điểm đầu tại ga Hà Nội (Km0+000), điểm cuối tại ga Vinh (Km319+202).
Dự án triển khai thi công trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Ảnh minh họa.
Tổng chiều dài dự án gần 320km. Phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 811 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2025.
Theo Quyết định đầu tư, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án: Năm 2022 khoảng 66 tỷ đồng; Năm 2023 khoảng 217 tỷ đồng; Năm 2024 khoảng 289 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 239 tỷ đồng.
Theo báo Công luận, Dự án triển khai thi công trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Diện tích sử dụng đất khoảng 19,46 ha, trong đó trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 11,9 ha, trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng 7,56 ha.
Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 56 tỷ đồng. Tuy nhiên tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng, do UBND các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tổ chức thực hiện.
Đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, mục tiêu dự án là đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; Từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Hà Nội - Vinh.
Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với thời gian thực hiện dự án được phê duyệt, kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án.
Bộ cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt căn cứ quyết định phê duyệt dự án đầu tư, triển khai các thủ tục tiếp theo theo đúng quy định. Thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; Quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư dự án, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Mộc Miên (T/h)