Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát hiện cây sưa quý dưới lòng hồ và cuộc ăn chia, ngã giá tiền tỷ chớp nhoáng

(DS&PL) -

Trong khi đi xăm gỗ một người dân vui mừng "như nhặt được vàng", khi phát hiện một cây sưa cổ thụ quý hiếm dưới lòng hồ.

Trong khi đi xăm gỗ một người dân vui mừng "như nhặt được vàng", khi phát hiện một cây sưa cổ thụ quý hiếm dưới lòng hồ. Ngay sau đó, người này huy động dân làng mang vác dụng cụ ra lòng sông "khai quật". Thông tin nhanh chóng lan truyền đi, hàng chục người dân, đầu nậu kéo đến xí phần. Sau khi đưa được cây sưa lên bờ, đầu nậu ngã giá chớp nhoáng mua đứt rồi chở đi. 

Lòng hồ nơi người dân tìm ra gỗ sưa.

Cuộc chia chác tiền tỷ

Ngày 20/9, ông Đinh Văn Ble, Phó Chủ tịch UBND xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai xác nhận, người dân trên địa bàn làng Sin vừa phát hiện một cây sưa có kích thước lớn, giá trị hàng tỷ đồng. Sau khi đào được gỗ những người tìm thấy đã bán cho đầu nậu với giá cả tỷ bạc.

Theo ông Ble, khoảng 17h ngày 13/9, một người dân làng Sin chuyên đi xăm gỗ đã mừng rỡ như vớ được vàng khi phát hiện một cây sưa dài 8m, đường kính 0,4m, bị đất đá vùi lấp tại bờ sông Ba. Vì cây gỗ quý có kích thước lớn, bị vùi dưới đất đá nên người này chạy về làng thông báo cho anh em, bạn bè. Hàng chục người làng mang vác dụng cụ ra bờ sông để trục vớt.

Cũng từ đó, thông tin nhanh chóng lan truyền đi khiến nhiều người hiếu kỳ đến xem, đầu nậu sau khi nghe tin cũng đã tức tốc đến hiện trường để "xí" phần. Đến khoảng 21h cùng ngày, sau nhiều giờ hì hục đào bới, vật lộn dưới lòng sông, người làng Sin cũng đưa được cây gỗ lên bờ. Chớp thời cơ, tạo áp lực với người làng, một thương lái có máu mặt ở địa phương đã thương lượng thành công với giá tiền tỷ rồi mang xe chở cây gỗ quý đi mất tăm.

Ngay sau khi nhận được thông tin, PV báo ĐS&PL đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực hư vụ việc. Trò chuyện với PV, anh Anh Đinh Thơi (làng Sin), người trực tiếp đào và đưa cây sưa lên bờ, cho biết: "Khi phát hiện cây sưa, 12 hộ dân trong làng tiến hành đào, đưa lên bờ nhưng vừa lo vừa sợ. Bởi đây là loại gỗ quý hiếm, giá tiền tỷ, chúng tôi sợ bởi hiện trường có nhiều người lạ từ nơi khác đến. Trong số, đó có rất nhiều đầu nậu chuyên khai thác gỗ trên địa bàn là những người có "số má" ở địa phương. Chúng tôi lo, không bảo quản được thành quả mà mình đổ mồ hôi đào bới, rất vất vả mới kéo được lên bờ".

"Do đó, khi có một đầu nậu đưa ra giá 600 triệu đồng, chúng tôi chấp nhận bán cho họ. Ngoài số tiền này, thương lái còn trả 500 triệu đồng cho người chủ đất nơi cây gỗ sưa được đào lên", anh Thơi kể. Cũng theo anh Thơi, sau đó, anh nghe tin thương lái này đã bán cây gỗ cho một thương lái khác với giá được 5,9 tỷ đồng. Dù rất tiếc, nhưng người làng không có cách nào, làm căng lên có khi xảy ra xích mích không hay.

Hàng chục người dân đến tìm vận may

Theo tìm hiểu của PV ngay sau khi đào được cây sưa, tại khu vực này, người dân tiếp tục tìm thấy một cây khác có kích thước còn lớn hơn. Tuy nhiên, theo anh Thơi, cây gỗ được tìm thấy sau này được vận chuyển đi đâu, bán cho ai thì anh không rõ. Bởi lẽ, sau khi phát hiện cây sưa đầu tiên, có một số đối tượng đến đe dọa, nên dân làng không dám trở lại khu vực này. Theo ghi nhận của PV, ngay sau khi nắm được thông tin có người tìm được gỗ sưa "khủng" tại lòng hồ, nhiều người dân tại các khu vực lân cận cũng kéo đến dựng lán trại để tiếp tục tìm kiếm thử vận may. Trao đổi với PV anh Trần Văn M. (SN 1975, ngụ thị trấn Kbang) chia sẻ: "Sau khi nghe thông tin người làng Sin đào được một cây sưa tại lòng hồ bán với giá tiền tỷ tôi rất háo hức. Để thử vận may, tôi đã rủ thêm 2 người bạn nữa mang theo lều trại, đồ ăn vào "định cư" ngay bên lòng hồ để kiếm gỗ, biết đâu vận may sẽ đến với mình. Dưới dòng nước chảy xiết kia ai biết được còn bao nhiêu cây sưa quý nằm ẩn mình dưới đó".

Liên quan đến việc này, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: "Sau khi nghe thông tin vụ việc, Hạt đã chỉ đạo cho anh em kiểm lâm đến hiện trường nắm tình hình. Bên cạnh đó, lực lượng công an huyện cũng được điều động đến để đảm bảo an ninh trật tự. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường không thấy gỗ, người dân giải tán về nhà hết. Tại khu vực này có một số người đến dựng lều trại tạm bợ để tìm kiếm vận may".

Tìm đầu nậu

Ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Kbang thông tin: "Hiện, lực lượng của Hạt, công an đang xác minh xem đầu nậu thu mua cây gỗ sưa quý hiếm này là người nào. Chắc chắn một điều rằng, đầu nậu nào mua được cây gỗ sưa nếu vận chuyển đi trên đường là trái phép. Bởi, không có một cơ quan nào cấp phép cho việc vận chuyển gỗ đi lại trên địa bàn, dù là gỗ trong vườn của người dân. Nếu muốn vận chuyển một tấc cũng phải có xác nhận của chính quyền địa phương".

Hồ Nam

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 39

Tin nổi bật