Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phần Lan sẽ phải đợi bao lâu nếu muốn gia nhập NATO?

(DS&PL) -

Phần Lan đặt mục tiêu gia nhập NATO "không có sự trì hoãn" sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ngày 15/5 (giờ địa phương), Phần Lan đã chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Sau Phần Lan, Thuỵ Điển cũng đã tuyên bố kế hoạch gia nhập khối quân sự. Điều này đồng nghĩa với việc Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ từ bỏ tình trạng trung lập, được duy trì trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (phải) và Thủ tướng Sanna Marin chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: Getty

Được biết, thái độ của Phần Lan và Thuỵ Điển với vấn đề gia nhập NATO đã thay đổi kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Vì sao Phần Lan muốn gia nhập NATO?

Phần Lan, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Thời Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô đã đưa quân tới Phần Lan năm 1939 và đánh bại quân đội nước này. Một thỏa thuận hòa bình sau đó đã được thống nhất giữa 2 bên vào tháng 3/1940 cho phép Phần Lan duy trì trình trạng của một quốc gia độc lập, đổi lại Phần Lan phải nhượng các khu vực biên giới cho Liên Xô. Kể từ đó, Phần Lan vẫn duy trì tình trạng một quốc gia trung lập và không có liên kết trực tiếp với các tổ chức quân sự phương Tây. 

Nhưng hiện nay, hơn 2 tháng sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Phần Lan đã xem xét lại vấn đề an ninh và NATO đã trở thành lựa chọn tốt nhất của nước này. Đối với Moscow, vốn từ lâu đã phàn nàn về việc NATO mở rộng tới gần biên giới của mình, việc Phần Lan tuyên bố sẽ gia nhập liên minh quân sự này vốn không phải một tín hiệu tốt.

Theo đó, từ khi Phần Lan còn đang thảo luận về khả năng gia nhập NATO, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng lên tiếng khẳng định quyết định này sẽ không giúp ổn định châu Âu và cảnh báo Nga sẽ có hành động đáp trả.

Cụ thể, ông Peskov đã nói: "Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quá trình mở rộng này sẽ như thế nào trong tương lai, cơ sở hạ tầng quân sự sẽ di chuyển bao xa, gần biên giới của chúng ta đến đâu".

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết ông không nghĩ rằng Nga có ý định tấn công nước này ngay bây giờ hoặc trong tương lai. Ngược lại, bản thân Phần Lan cũng khẳng định muốn duy trì một biên giới ổn định, hoà bình với Nga. Nhưng theo ông Niinistö, trong bối cảnh chính trị bị chia rẽ trên thế giới và ở châu Âu như hiện nay, ông không còn chỗ đứng cho những quốc gia trung lập, không liên kết với bất kỳ bên nào.

Quy trình gia nhập NATO

Sau khi tuyên bố đề xuất gia nhập NATO, Quốc hội Phần Lan sẽ bỏ phiếu phê duyệt trước khi chính thức đệ trình đơn xin gia nhập tới liên minh quân sự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiệt tình chào đón Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập liên minh và cam kết rằng tiến trình phê duyệt tư cách thành viên với 2 quốc gia Bắc Âu này sẽ "suôn sẻ và nhanh chóng". 

Sau khi được sự chấp thuận của NATO, NATO dự kiến sẽ đưa ra lời mời chính thức để Phần Lan gia nhập. Lời mời chính thức này dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 6, khi các nhà lãnh đạo NATO sẽ họp  tại Madrid (Tây Ban Nha). 

Sau đó, tiến trình trở thành thành viên NATO sẽ bao gồm 5 giai đoạn: 

Đầu tiên, các chuyên gia NATO và đại diện của các quốc gia sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm đảm bảo quốc gia ứng cử viên sẵn sàng và có thể đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết chính trị, pháp lý và quân sự với tư cách thành viên NATO.

Được biết, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều đã đáp ứng nhiều tiêu chí để trở thành thành viên NATO, bao gồm một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.

Cờ NATO. Ảnh: Chinadaily 

Theo đó, 2 quốc gia này dự kiến sẽ không phải thực hiện thêm bất kỳ cải cách nào để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO. Điều này sẽ tiết kiệm cho họ khá nhiều thời gian.

Thứ hai, quốc gia được mời tham gia sẽ gửi một bức thư chính thức về cho Tổng thư ký NATO xác nhận rằng họ đã chấp thuận các nghĩa vụ của mình đối với liên minh.

Thứ ba, NATO chuẩn bị các nghị định thư gia nhập Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập của NATO - cho mỗi quốc gia được mời tham gia, điều này là bước đệm để NATO công nhận sự các thành viên mới gia nhập liên minh. 

Thứ tư, chính phủ các nước thành viên NATO cần nhất trí phê chuẩn các nghị định thư, theo luật của mỗi quốc gia. 

Cuối cùng, sau khi chính phủ của tất cả các thành viên chấp thuận cho phép 1 thành viên mới gia nhập, các thành viên NATO sẽ thông báo cho chính phủ Mỹ. Sau đó, Tổng thư ký NATO sẽ chính thức mời các nước mới tham gia liên minh.

Các quan chức NATO cho biết quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất "trong vài tuần". Nhưng trên thực tế, quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn thế, tùy thuộc vào các vấn đề liên quan tới thủ tục - phê chuẩn nghị định thư của tất cả các nước thành viên NATO.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra về thời gian mà Phần Lan và Thuỵ Điển phải đợi để được trở thành thành viên chính thức của NATO. Trong đó, các quan chức NATO trong những tuần gần đây cho biết hồ sơ của 2 nước nà có thể được hoàn thành trong khoảng 4 tháng như khi Tây Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp gia nhập vào những năm 1950, khi chỉ có 12 nước thành viên ban đầu trong liên minh. Tuy nhiên, hãng tin Sky News cho biết một số trường hợp, thời gian chờ có thể lên tới hơn 1 năm. 

Được biết, nhiều quốc gia NATO đã bày tỏ sự ủng hộ với việc Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập liên minh. Tuy nhiên, một thành viên của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra phản ứng trái ngược với việc này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/5 nói rằng ông không nhìn nhận việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO theo hướng tích cực, đồng thời cáo buộc cả hai đất nước là nơi cư trú của các tổ chức "khủng bố người Kurd". 

Trước tình hình trên, tổng thống Phần Lan cho biết ông sẽ thực hiện các cuộc đàm phán với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và tin rằng các vấn đề có thể được giải quyết ổn thoả.

Minh Hạnh (Theo Newsweek)

Tin nổi bật