Báo VietNamNet thông tin, việc chuyển tiền bị nhầm số tài khoản người nhận là điều không hiếm gặp. Thông thường, ngay sau khi phát hiện chuyển nhầm tài khoản, người gửi liền gọi điện cho ngân hàng để yêu cầu hủy giao dịch. Tuy nhiên, điều này là không thể.
Lý do được một nhân viên ngân hàng chia sẻ: “Nếu ngân hàng hủy giao dịch theo yêu cầu của khách, sẽ có người lợi dụng việc này để thực hiện lừa đảo. Chẳng hạn, kẻ gian chụp màn hình chuyển khoản thành công gửi cho người bán hàng, sau đó yêu cầu ngân hàng hủy giao dịch.
Để hạn chế sự cố này, khi thực hiện giao dịch, người chuyển tiền cần kiểm tra kỹ thông tin về số tài khoản, họ và tên người thụ hưởng trước khi nhấn nút "Chuyển tiền”.
Tuy nhiên, nếu chẳng may chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác, người gửi cần bình tĩnh bởi vẫn có cách lấy lại được tiền.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng VPBank, để nhanh chóng lấy lại số tiền của mình, người chuyển tiền cần tuân thủ quy trình xử lý của ngân hàng.
Phải làm gì khi chuyển tiền nhầm mà người nhận không trả lại? Ảnh minh hoạ
Trường hợp chuyển khoản nhầm cùng ngân hàng, cần thực hiện 4 bước sau:
Bước 1: Đến một chi nhánh hoặc phòng giao dịch gần nhất mà khách hàng đang sử dụng để được nhân viên hỗ trợ xử lý việc chuyển khoản nhầm. Điều này giúp đảm bảo quy trình được thực hiện nhanh chóng và chính xác.
Bước 2: Tại quầy, khách hàng cần xuất trình CCCD và cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến giao dịch, bao gồm số tài khoản của khách hàng (người chuyển tiền) và số tài khoản người nhận, thời gian thực hiện giao dịch, số tiền đã chuyển nhầm. Các thông tin này sẽ giúp ngân hàng xác định rõ ràng tình huống và tìm hướng xử lý phù hợp.
Bước 3: Ngân hàng sẽ liên hệ với chủ tài khoản nhận nhầm, yêu cầu hoàn tiền và thực hiện việc sao kê, xác minh giao dịch để có bằng chứng pháp lý cho việc thu hồi tiền. Các bước này nhằm đảm bảo tính chính xác và tăng cơ hội lấy lại số tiền đã chuyển nhầm.
Bước 4: Nếu chủ tài khoản nhận nhầm đồng ý, họ sẽ tự chuyển lại tiền hoặc yêu cầu ngân hàng hỗ trợ thu hồi và hoàn trả cho người chuyển nhầm. Trường hợp người nhận không đồng ý hoàn trả, người chuyển nhầm cần tiến hành các bước pháp lý như khởi kiện để đòi lại số tiền.
Trường hợp chuyển khoản nhầm khác ngân hàng, người chuyển nhầm cũng phải thực hiện 4 bước sau:
Bước 1: Giữ lại hình ảnh hóa đơn và tất cả tài liệu liên quan đến giao dịch chuyển nhầm, gồm biên lai, thông báo giao dịch, hoặc ảnh chụp màn hình,... để làm bằng chứng cần thiết.
Bước 2: Tới chi nhánh ngân hàng mà người chuyển đã dùng để thực hiện giao dịch và yêu cầu hỗ trợ xử lý. Cung cấp các thông tin cần thiết, như số tài khoản, thời gian và số tiền chuyển nhầm,... để ngân hàng xác minh và tiếp nhận yêu cầu.
Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành xác minh thông tin giao dịch và liên hệ với ngân hàng thụ hưởng (ngân hàng mà tài khoản nhận thuộc về) để phối hợp giải quyết. Các bước này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hồi số tiền chuyển nhầm.
Bước 4: Ngân hàng thụ hưởng sẽ liên hệ với chủ tài khoản nhận nhầm và xác minh giao dịch để làm cơ sở pháp lý cho việc hoàn trả tiền.
Họ sẽ đề nghị chủ tài khoản nhận nhầm trả lại số tiền nếu: (1). Nếu người nhận đồng ý hoàn trả, họ có thể tự chuyển khoản lại số tiền hoặc yêu cầu ngân hàng hỗ trợ thu hồi và hoàn trả cho bạn. (2). Nếu người nhận từ chối trả lại, người chuyển nhầm có thể thực hiện các bước pháp lý để khởi kiện.
Người nhận tiền chuyển nhầm vào tài khoản không trả lại phạm tội gì?
Báo Công an nhân dân thông tin, tnguheo quy định tại Khoản 1, Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tiền là tài sản, bên cạnh vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, người chuyển tiền nhầm có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 166, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chiếm hữu số tiền bị chuyển nhầm của người được chuyển nhầm được xác định là “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”. Chính vì vậy, trong trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm khi được yêu cầu hoàn trả lại tiền phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển tiền nhầm. Nghĩa vụ này được quy định tại Khoản 1, Điều 579, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều luật quy định, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Nếu người nhận tiền chuyển nhầm vẫn cố tình không trả lại, dù đã được người chuyển nhầm và ngân hàng thực hiện các thủ tục thông báo đòi lại tiền thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
1. Xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, quy định tại Khoản 2, Điểm đ, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm (hoặc do mình tìm được, bắt được) sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người chuyển tiền nhầm cũng có thể khởi kiện đòi lại số tiền đã chuyển nhầm bằng một vụ kiện dân sự ra tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.