"Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình, giờ đây chúng tôi có thành viên thứ 8 ký Thông cáo chung và chúng tôi chỉ tăng áp lực lên Nga vì mục đích kết thúc công bằng cuộc xung đột này. Và chúng tôi đang chuẩn bị các nhóm làm việc. Ngay từ đầu tháng 7, chúng ta sẽ có những chi tiết cụ thể mới nhằm đạt được hòa bình", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu tối 25/6 (theo giờ địa phương).
Tổng thống Zelensky cũng lưu ý rằng việc chính thức bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên EU là một kết quả lịch sử. Ông hứa rằng Ukraine chắc chắn sẽ làm mọi thứ cần thiết để vượt qua từng chương trong quan hệ với EU và tạo ra một thỏa thuận gia nhập.
Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Trong 2 ngày 15-16/6 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine đã diễn ra ở Thụy Sĩ với hơn 90 quốc gia tham dự. Bất chấp những ủng hộ mạnh mẽ từ các nước phương Tây, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung, khẳng định Hiến chương Liên Hợp Quốc và "sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền có thể đóng vai trò cơ sở để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak trong một cuộc họp báo trực tuyến diễn ra hôm 18/6 cho biết, các quan chức nước này đã bắt đầu công việc lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai.
Ông Yermak nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ chỉ có thể diễn ra sau khi các quốc gia thành viên tìm ra một kế hoạch chung và ông dự đoán quá trình có thể sẽ mất vài tháng. “Hội nghị thượng đỉnh thứ hai sẽ có thể diễn ra khi chúng tôi có một kế hoạch chung”, ông nói đồng thời cho biết thêm rằng còn rất nhiều việc phải làm.
Xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và vẫn tiếp tục kéo dài thành một cuộc chiến tiêu hao. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng thừa nhận rằng sự hiện diện của Nga tại bàn đàm phán là cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột vẫn đang tiếp tực kéo dài giữa hai bên.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin mới đây nói rằng rằng đề nghị của Nga về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine là một cách thực tế để chấm dứt tình trạng thù địch, nhưng phương Tây đơn giản là phớt lờ đề nghị này.
Chủ nhân điện Kremlin hứa sẽ ra lệnh ngừng bắn nếu Ukraine tuyên bố không trở thành thành viên NATO và rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền. Song, Ukraine ngay lập tức bác bỏ đề nghị này.
Theo Pravda và RT