(ĐSPL) - Đêm vắng vẻ, khách nhậu đang lục tục ra về thì nhốn nháo bởi những tiếng bước chân chạy bình bịch, những tiếng hét thất thanh.
Trong ký ức của những người dân sống ở khu vực phố Trịnh vẫn còn ám ảnh bởi vụ thanh toán đẫm máu khiến một người chết đêm 20/3/2012… Liên quan đến vụ trọng án này, ông trùm Dũng Lễ và bộ sậu của mình phải ngồi tù bóc lịch.
Vụ thanh toán giang hồ đẫm máu
Hồ Văn Dũng (SN 1977, ngụ ở số nhà 29 Hùng Vương, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có biệt danh Dũng Lễ, là một ông trùm kinh doanh về quán bar, nhà hàng và phòng trà. Dũng từng đi tù về các tội cố ý gây thương tích, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Trong giới giang hồ, nhiều người rất nể Dũng Lễ bởi tính chịu chơi và máu liều. Khi vụ án do Dũng Lễ và đồng bọn gây ra ở phố Trịnh được TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử sơ thẩm ngày 29/9/2012 đã thu hút rất nhiều người tới dự. Tuy không trực tiếp ra tay sát hại nạn nhân nhưng với vai trò là kẻ chủ mưu, Dũng Lễ đã bị tòa sơ thẩm xử phạt 19 năm tù.
Trở lại án mạng xảy ra tại quán nhậu, sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra phải mất khá nhiều công sức mới truy bắt được những đối tượng gây án. Nạn nhân là Trần Minh H. (1977, trú TP.Huế) do bị nhiều nhát dao chí mạng, đã bị thương nặng và tử vong sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện. Sau khi gây án, hai đối tượng Văn Thành Trung và Huỳnh Công Thiện đã đến nhà một người bạn ẩn náu, bàn kế hoạch bỏ trốn. Ba ngày sau khi gây án, hai đối tượng trên được chiến hữu hỗ trợ tiền bạc, bắt xe khách vào Đà Nẵng, một ngày sau tiếp tục di chuyển vào TP.HCM lẩn trốn.
Xuống bến xe Miền Đông, hai gã được bạn bè của đại ca Dũng Lễ đưa về Đồng Nai làm việc tại một quán phở. Nói là làm việc, nhưng thực chất chúng đang tìm cách giấu mặt khỏi tầm ngắm của cảnh sát và được đại ca ở Huế chi viện tiền qua thẻ ATM. Là những kẻ ma mãnh từng nhiều lần ra tù vào tội, hai sát thủ không ngừng thay đổi chỗ ở, nhằm tránh bị phát hiện. Chưa đầy hai tuần trú ngụ ở Đồng Nai, bọn chúng di chuyển về Cần Thơ, được bố trí làm việc tại một quán bida. Tưởng chừng đã có thể yên thân ẩn náu, ngày 9/4/2012 trong lúc đang mải đánh bida, hai sát thủ bất ngờ bị các trinh sát Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tra còng vào tay, di lý về địa phương chịu tội.
Những người đến dự phiên tòa hẳn không quên được hình ảnh Dũng Lễ và đồng bọn đứng cúi gằm mặt sau vành móng ngựa. Sau khi phiên toà kết thúc, người nhà nạn nhân vì quá bức xúc, đau đớn vừa ôm di ảnh nạn nhân vừa chửi bới, xông vào đánh đập các bị cáo. Vụ lộn xộn chỉ chấm dứt khi có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát tư pháp hỗ trợ.
Ông trùm Dũng Lễ ở trại giam Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
|
Cuộc đối mặt ở vũ trường
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp Hồ Văn Dũng trong trại giam Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là những hình xăm chằng chịt trên cánh tay trái, khi Dũng vén tay áo lên. Kể lại câu chuyện của mình, Dũng Lễ nói với chúng tôi rất điềm đạm, ít biểu lộ cảm xúc: “H. vốn là khách quen hay đến phòng trà của tôi chơi, chuyện sẽ chẳng đến mức tồi tệ nếu H. không lân la tán tỉnh các nữ nhân viên trong quán. Khi nhân viên nữ phản ánh lại, tôi đã nhiều lần gặp và nói thẳng với H., nó chỉ “dạ, em làm quen cho vui vậy thôi, anh không cho thì em cũng chịu”. Nhưng cách mấy ngày nhân viên nữ lại than phiền vì khi hết giờ làm, H. lại săn đón ở trên đường về nhà, khiến nhiều nhân viên nữ sợ nên phải xin nghỉ việc”.
Mặc dù nhiều lần Dũng Lễ đã dằn mặt H. vì tội tán tỉnh các nữ nhân viên của mình nhưng H. vẫn không nể đàn anh mà lại còn “chơi bài ngửa”, khiến mâu thuẫn giữa hai bên càng lên đến đỉnh điểm. Phạm nhân Dũng Lễ kể lại: “Sau lần đó, H. dẫn 10 người lên quán của tôi gây gổ, đập phá đồ đạc trong quán. Hai bên đã đánh nhau, H. phải nhập viện còn tôi chi trả viện phí. Lần H. nằm viện, bố nó có đến xin lỗi tôi, mong tôi tha thứ, bỏ qua. Nhưng ba tháng sau, khi tôi và H. đối mặt nhau trong vũ trường Ngọc Anh, tôi nói: “Bữa nay có vợ rồi đừng tới quán anh quậy nữa”, H. trả lời: “Dạ bữa nay em tu rồi”. Nhưng, tôi vừa quay đi thì vài bước chân thì H. đã ném chiếc ly vào người tôi rồi hắn bỏ biệt tăm vào Đà Nẵng trốn”.
Đến lúc này, mối thù sâu sắc của Dũng Lễ và H. không thể giải quyết bằng lời nói được nữa. Ông trùm Dũng Lễ dặn đàn em của mình thấy H. ở đâu là sẽ giải quyết tại chỗ luôn. H. ẩn nấp trong Đà Nẵng lâu quá cũng chán, mới mò về Huế đi nhậu cùng một số bạn bè và đã bị đàn em của Dũng Lễ phục kích. Bị tấn công bất ngờ, H. đã phải nhận nhát dao nên mất rất nhiều máu. Dũng Lễ ngồi trong xe ô tô, lạnh lùng chứng kiến cảnh kẻ thù không đội trời chung kêu la trong đau đớn...
Sống với 4 vợ nhưng không... kết hôn
Sau khi Dũng Lễ và đàn em ngồi tù, hàng loạt các quán bar, phòng trà, nhà hàng phải sang lại cho người khác để chi trả các khoản bồi thường cho gia đình nạn nhân. Khi nhắc lại mối thù xưa với H., khuôn mặt ông trùm lạnh tanh, không hề biểu hiện cảm xúc dù là tức giận hay hối hận. Tuy nhiên, khi nói đến các đàn em đã vì mình mà phải ngồi tù, nét mặt ông trùm tỏ ra ăn năn: “Vì chuyện của tôi mà mấy đứa phải ngồi tù nên tôi cảm thấy mình có lỗi, dù rất buồn nhưng giờ tôi cũng không thể chịu tội thay tụi nó được”.
Cuộc đời của Dũng Lễ có rất nhiều bóng hồng vây quanh nhưng khi Dũng ngồi tù, tất cả những người đẹp ấy đều lặn mất tăm. Khi nói về những người phụ nữ đi qua cuộc đời mình, Dũng Lễ trầm ngâm: “Bốn người phụ nữ đã sống với tôi như vợ, nhưng tôi chưa từng kết hôn dù ai cũng sinh con cho tôi. Bây giờ, con tôi đang ở với người giúp việc, gia đình mỗi người một nơi... Dù họ cũng muốn vào thăm tôi, nhưng tôi không muốn gặp trong hoàn cảnh như thế này. Mỗi người có một cuộc sống riêng, tôi chẳng muốn họ phiền lòng, nên để họ ra đi tìm hạnh phúc riêng cho mình”.
Nếu như không xảy ra chuyện thanh toán giang hồ thì cơ ngơi, biệt thự, con cái và những bóng hồng của ông “trùm” Dũng Lễ sẽ là tài sản mà nhiều người mơ tới. Cũng bởi độ “chịu chơi” và “nợ máu phải trả bằng máu” khiến ông trùm này phải trả giá. Một người đã chết tức tưởi, còn Dũng Lễ và đồng bọn phải ngồi tù. Những căn biệt thự của ông “trùm” giờ để cho người giúp việc trông coi và kinh doanh. Các con không có mẹ, ba phải ngồi tù, một số căn biệt thự của Dũng đã phải đóng cửa, không một bóng người.
“Không biết tôi có còn làm được gì cho con mình không nữa” Trải lòng với chúng tôi, phạm nhân Dũng Lễ nói: “Cái án 17 năm của tôi (sau phiên tòa sơ thẩm, Dũng kháng cáo và được tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt) quá lâu, lúc được ra tù, không biết tôi có còn làm được gì cho con mình không nữa. Chúng nó đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi ba mình tù tội. Chỉ mong khi lớn lên chúng nó sẽ có một cuộc sống tốt hơn tôi. Vì biết mình đã làm các con bị tổn thương nên tôi không muốn chúng nó đi thăm. Khi nào nhớ con, tôi xin phép gọi điện về hỏi thăm. Bây giờ, điều tôi có thể làm cho các con của mình, là cải tạo tốt để sớm được trở về...”. |
BẮC KỲ