Báo Thanh Niên đưa tin, từ ngày 16-22/11, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. HCM mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM) và 8 bị cáo khác phạm tội gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.
Vụ án từng được đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 3. Tuy nhiên, do phát sinh tình tiết mới tại tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) trả hồ sơ, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao làm rõ 8 vấn đề, nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm.
Một tháng sau đó, Viện KSND tối cao có văn bản trả lời tòa án, khẳng định không có căn cứ điều tra bổ sung 8 vấn đề mà TAND TP.HCM nêu ra trong vụ án.
Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. HCM là bị hại của vụ án. UBND TP. HCM cùng năm sở, ngành thuộc UBND TP. HCM tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, tham gia phiên tòa còn có hai ngân hàng, Phòng Công chứng số 1 TP. HCM và 17 đơn vị, cá nhân, thông tin được đưa trên báo Pháp Luật TP. HCM.
Ông Nguyễn Thành Tài. Ảnh: VietNamNet.
Bào chữa cho bị cáo Bạch Diệp có 6 luật sư của Đoàn Luật sư TP. HCM và Hà Nội gồm Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Trần Ngọc Hải, Phạm Chính Tâm, Hà Thị Xuyến và Nguyễn Thị Hoài Linh.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài có hai luật sư bào chữa là Trương Trọng Nghĩa và Ngô Minh Hưng. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo khác và đương sự.
Tri Thức Trực Tuyến cho biết , theo cáo trạng, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trụ sở tại 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP. HCM) xuống cấp nên đơn vị này liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương do bà Diệp làm đại diện theo pháp luật, để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.
Bà Diệp đã đề nghị hoán đổi để xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Đổi lại, mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng sẽ nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương để hợp khối với số 179-181-183 Hai Bà Trưng, phục vụ nhu cầu xây dựng khách sạn 5 sao. Đề nghị này được phía Trung tâm Ca nhạc nhẹ chấp thuận.
Tháng 2/2008, bà Diệp làm đơn xin hoán đổi 2 khu đất trên rồi gửi UBND TP. HCM nhưng lãnh đạo thành phố không chấp nhận.
Trong khi chờ thương lượng việc hoán đổi, bà Diệp làm thủ tục thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TP. HCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Bị can đã không thông báo việc thế chấp này cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Bà Dương Thị Bạch Diệp được dẫn giải đến tòa hồi tháng 3. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến.
Đầu tháng 3/2010, bà Diệp đến gặp ông Nguyễn Thành Tài (khi đó là Phó chủ tịch UBND TP. HCM) để trao đổi, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc hoán đổi trên. Ngày 5/3/2010, ông Tài ký văn bản số 956 về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Sau khi bà Diệp được cấp giấy tờ sử dụng khu đất 185 Hai Bà Trưng, bị can này không rút thủ tục thế chấp tài sản 57 Cao Thắng tại ngân hàng để bàn giao quyền sử dụng khu đất cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như đã cam kết.
Cơ quan điều tra xác định bà Diệp đã mang quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng đến thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không còn khả năng trả nợ. Hành vi của bà Diệp đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với ông Nguyễn Thành Tài, Viện KSND cáo buộc cựu Phó chủ tịch UBND TP. HCM dù không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước, bị can đã ký văn bản chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng không xác định được ông Tài có vụ lợi hay động cơ cá nhân khác trong việc giải quyết hoán đổi tài sản này. Do đó, ông Tài bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999, khung hình phạt từ 3-12 năm tù.
Bích Thảo (T/h)