Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Ông lão dế Mèn" trong tôi

(DS&PL) -

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài. Vĩnh biệt một tài năng. Vĩnh biệt một nhân cách nghệ thuật. Vĩnh biệt một người hiền.

Nếu bây giờ tôi ngồi viết những cảm nhận về tài năng văn chương của ông với tư cách là một độc giả hay một người cầm bút cũng sẽ là thừa.

Viết về kỉ niệm với ông ư? Tôi thật thiếu may mắn vì mới chỉ được trò chuyện cùng ông một lần tại ngôi nhà đơn sơ trên con phố nhỏ Đoàn Nhữ Hài, để viết một bài phỏng vấn nhân 55 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc gặp ngắn ngủi chỉ 30 phút, vì khi đó ông đã yếu. Những gì tôi viết trong bài báo nhỏ bé này chỉ là suy nghĩ của một đứa cháu, một độc giả về một người ông, một đại thụ trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Nhà văn Tô Hoài (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Thật lạ, vào đúng ngày ông mất, tôi đã bỏ ra một ngày trời để sắp xếp lại cái tủ sách bề bộn của mình, đến đầu giờ chiều, tình cờ tôi thấy cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của ông. Cuốn sách khổ 17cm x 24cm, bên ngoài được đóng bằng bìa các tông dày, các góc và gáy sách bọc vải. Cuốn sách do Hội Văn nghệ Hà Nội ấn hành năm 1972. Người trình bày và vẽ minh họa là họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Có một điều làm tôi bất ngờ khi giở trang cuối cùng của cuốn sách và nhìn thấy số lượng phát hành là 15.200 cuốn. Một con số không thể tin, bởi tôi chưa được biết cuốn sách nào được in với số lượng lớn như vậy. Một con số mơ ước cho bất cứ tác giả nào đang cầm bút trong xã hội hiện tại. Tôi cứ nghĩ, chẳng bao giờ có cuốn sách nào chạm được con số phát hành kỉ lục ấy được nữa.

Tôi đã cất cuốn sách vào ngăn kéo, để lúc nào có thời gian sẽ đọc lại. Sau khi hoàn tất công việc thu dọn tủ sách, tôi mở vi tính và lên mạng thì đọc được tin nhà văn Tô Hoài đã mất lúc sáng. Quả thực, sự ra đi của ông không có gì bất ngờ, bởi lâu nay ông đã yếu lắm rồi và ông cũng đã sống đến cái tuổi trời cho. Tôi mở ngăn kéo lấy cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký và đọc phần Lời đầu truyện do ông viết nhân cuốn sách được tái bản lần thứ sáu.

Câu đầu tiên ông viết: "Ngày trước dế Mèn có kể chuyện đời mình cho tôi chép lại." Tôi nghĩ, thực ra đây là câu văn vừa viết cho người lớn, vừa viết cho trẻ con. Một câu văn đơn giản hóm hỉnh nhưng cũng ẩn chứa tính chất nghề của người cầm bút. Có lẽ, ông không chỉ lắng nghe chú dế Mèn mà ông đã thực sự sống như một thực thể trong thế giới tự nhiên đó: như hoa lá cỏ cây, như dế Mèn, dế Choắt, xiến tóc, chim cốc, bọn nhện... Nói đúng hơn, ông đã dành cả cuộc đời mình để lắng nghe mọi sự sống đang sinh sôi nảy nở, đang tồn tại trên thế gian này và biến chúng thành nguyên liệu cho những tác phẩm của mình. Trong lần trò chuyện ngắn ngủi, nhà văn Tô Hoài bảo cả cuộc đời ông là những chuyến đi, là những cuộc chơi. Đi để viết. Chơi để viết. Nếu ông không đi và không chơi như vậy thì ngày nay chúng ta đâu có một nhà văn Tô Hoài tài năng cùng với số lượng tác phẩm đồ sộ, đã vượt qua con số 150."

Cầm cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký trên tay, lần giở từng trang mà tôi đâu có đọc được chữ nào nữa. Những suy nghĩ miên man về chú dế Mèn đã trở thành người bạn cho biết bao thế hệ người Việt, suy nghĩ về một ông lão có khuôn mặt tròn trịa phúc hậu cứ hiện lên trong tôi.

Nhớ lại, hôm tôi đến gặp ông là một ngày mùa đông lạnh giá. Khi tôi bước vào nhà, đã thấy nhà văn Tô Hoài ngồi bên cái bàn gỗ, đầu đội chiếc mũ thổ cẩm, nở nụ cười hiền hậu đón khách. Bà Thu Cúc, vợ nhà văn Tô Hoài cũng xấp xỉ 90 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Bà là người chăm lo mọi việc ăn uống, thuốc thang, quán xuyến mọi sinh hoạt của chồng. Bà lấy chiếc ấm từ trong cái dành tích để rót cho ông một cốc nước hoa hoè còn nóng và rót mời tôi một cốc, rồi nhẹ nhàng bảo: “Cháu thông cảm, mọi sinh hoạt của bác trai bây giờ phải theo đúng giờ giấc, cho nên không thể tiếp khách lâu được”. Nhà văn Tô Hoài nhoẻn miệng cười hiền: “năm nay 92, sức yếu rồi, mọi việc phải tuân thủ theo đúng giờ giấc của thủ trưởng đề ra đấy cháu ạ”.

Tôi nhấp một ngụm nước hoa hoè còn nóng hổi rồi cười cùng ông. Dẫu biết rằng thời gian để trò chuyện với ông sẽ không có nhiều nhưng dường như tôi vẫn muốn nhâm nhi cái vị thơm của nước hoa hoè trong căn phòng giản dị mà ngăn nắp gợi cho tôi những suy nghĩ về nếp sống của những người Hà Nội xưa, bên cạnh một ông lão được sinh ra trên chính mảnh đất Hà thành này. Ngay cái bút danh Tô Hoài cũng đã thể hiện tình yêu, sự gắn bó của ông với mảnh đất Hà Nội. Nó được ghép từ tên của dòng sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức quê ông trước kia (bao gồm cả khu vực Cầu Giấy, Nghĩa Đô bây giờ).

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Sen. Đã nhiều lần tôi phải thốt lên với bạn bè rằng, tôi không còn yêu mảnh đất Hà Nội này nữa. Nó làm tôi cảm thấy mệt mỏi bởi những sự xô bồ, bởi những sự giả tạo, bởi những sự hợm hĩnh, bởi sự ô nhiễm đang hiện diện ngày càng nhiều. Ấy vậy mà trong giây phút ngồi bên ông tôi thấy rưng rưng khi nghĩ về một Hà Nội xưa cũ, những con người Hà Nội xưa cũ, thanh lịch và nhã nhặn. Tôi đã thấy được điều đó từ căn nhà nhỏ, từ ông lão đang ngồi đối diện với mình. Từ trong sâu thẳm tôi chợt nhận ra rằng trái tim tôi vẫn thuộc về Hà Nội, một Hà Nội xưa và một Hà Nội của những ước vọng sau này. Và, ông chính là một góc nhỏ của Hà Nội, là một nét văn hoá của Hà Nội trong tôi.

Người ta vẫn gọi ông là Nhà văn của Hà Nội. Cuộc đời sáng tác của ông có hai mảng đề tài chính đó là viết về miền núi và viết về Hà Nội. Nhưng xem ra mảng đề tài viết về Hà Nội vẫn đậm nét hơn. Ngay cả khi ông viết cho thiếu nhi hay viết cho người lớn thì hình ảnh một Hà Nội vẫn cứ ẩn hiện đâu đó sau những con chữ, sau những cảm xúc dào dạt yêu thương, hào hoa mà lặng lẽ và đầy tính cách. Có thể nói, cùng với những tên tuổi như: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tường, Nguyễn Đình Thi… thì Tô Hoài cũng giống như một nhà viết sử của Hà Nội. Với tài năng của mình họ đã viết lại lịch sử của mảnh đất văn nhân, thanh nhã này bằng ngôn ngữ văn chương. Một trăm năm hay thậm chí một nghìn năm sau các bộ sử kí có thể không tạo dựng được không khí của một Thăng Long Hà Nội nhưng khi đọc các tác phẩm văn chương của họ, con cháu chúng ta sẽ nhận ra một cách toàn diện về mảnh đất này, hiện thực nhất, sống động nhất.

Trong lúc tôi và nhà văn Tô Hoài đang nhấp từng ngụm nhỏ của vị nước hoa hoè, thì bà Thu Cúc đi lại bàn cầm ấm tích rót thêm chút nước vào hai chiếc cốc, như một lời nhắc nhở vị khách về thời gian của buổi gặp không có nhiều đâu, đừng lãng phí nữa. Tôi hiểu điều đó. Và tôi cũng hiểu nhà văn Tô Hoài của chúng ta đang chạy đua với thời gian. Ông chạy đua với thời gian không phải để viết, không phải để đọc, bởi sức khoẻ không cho đôi mắt và những ngón tay của ông làm điều đó nữa. Nhưng, ông vẫn chạy đua với thời gian bằng những suy tưởng, hoài niệm. Có lẽ điều đó đã giúp ông tích luỹ thêm vào cái quỹ thời gian không còn nhiều của mình những ngày tháng có ý nghĩa.

Hôm đó, từ trong nhà ông bước ra tôi đã có suy nghĩ, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ còn được gặp ông nữa, bởi sức khỏe của ông đã rất yếu, làm sao có thể đi đâu được nữa. Và nếu không có lý do chính đáng cho bài phỏng vấn phục vụ sự kiện quan trọng của Hội Nhà văn thì tôi cũng đâu có thể dễ dàng có được cuộc trò chuyện với ông như vậy. Ấy vậy mà hôm diễn ra lễ kỉ niệm thành lập Hội, tôi vẫn được nhìn thấy ông. Ông dường như không đi được, phải có hai người dìu lên sân khấu để nhận hoa và tình cảm của các thế hệ nhà văn dành cho vị Tổng thư kí đầu tiên của Hội. Thật xúc động. Đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông.

Có thể từ lâu ông không còn viết được gì nữa nhưng sự hiện diện của ông trong cuộc đời này giống như cột mốc định vị, một liều thuốc tinh thần cho các thế hệ cầm bút sau này. Sau khi ông mất, tôi có vào facebook của con gái ông, nhà văn Nguyễn Sông Thao và đọc được hai câu thơ của chị viết về cha mình: "Cha ơi bóng cả cây cao/ Chở che con những lao đao cuộc đời" thật xúc động.

Kính thưa linh hồn nhà văn Tô Hoài, ông không chỉ là bóng cả cây cao trong gia đình, với những người con, những đứa cháu của mình mà ông còn là bóng cả cây cao của biết bao thế hệ cầm bút đang nối tiếp. Ông là tấm gương sáng nhất về một tài năng và sự lao động nghệ thuật không ngưng nghỉ. Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài. Vĩnh biệt một tài năng. Vĩnh biệt một nhân cách nghệ thuật. Vĩnh biệt một người hiền. Hà Nội đã mất đi một góc nhỏ của mình nhưng Hà Nội đã và sẽ đẹp hơn, đầy hơn vì có ông. Văn học nước nhà đã mất đi một đại thụ nhưng nền văn học đã không bị khuyết vì có ông. Vài câu chữ nhỏ mọn này như một lời đưa tiễn ông về thế giới bên kia. Ở nơi đó ông vẫn lắng nghe mọi sự sinh sôi nảy nở của một cảnh giới khác. Con người có thể mất đi, thời cuộc có thể thay đổi nhưng nghệ thuật sẽ còn mãi. Và, trong thế giới nghệ thuật đó, Dế Mèn phiêu lưu ký sẽ sống mãi. "Ông lão dế Mèn" trong tôi sống mãi!

Tin nổi bật