Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông chủ của dự án Condotel hơn 11.000 tỷ đồng tại Đà Nẵng vừa khiến hàng trăm nhà đầu tư “méo mặt” là ai?

(DS&PL) -

Ông chủ dự án Cocobay gần như không xuất hiện trong suốt thời gian giữ quyền điều hành Tập đoàn Empire kể từ khi doanh nghiệp này tái cơ cấu, đổi tên vào năm 2016.

Ông chủ dự án Cocobay gần như không xuất hiện trong suốt thời gian giữ quyền điều hành Tập đoàn Empire kể từ khi doanh nghiệp này tái cơ cấu, đổi tên vào năm 2016.

Sau nhiều ồn ào, Condotel Cocobay Đà Nẵng cũng đã chính thức “vỡ trận”. Cụ thể, trong văn bản gửi nhà đầu tư, Tập đoàn Empire - chủ Dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án.

Phối cảnh Dự án Cocobay Đà Nẵng

Mặc dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, tuy nhiên, công ty vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng.

Tập đoàn Empire, hay còn gọi với tên khác là Công ty Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô, được thành lập từ năm 1992 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ cuối năm 2002.

Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, nhà hàng khách sạn, phát triển khu vui chơi giải trí,...

Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô Nguyễn Đức Thành. Ảnh: VnEconomy

Tên tuổi của Empire Group đã và đang ghi dấu tại nhiều dự án đình đám như: Du lịch Văn hóa Lịch sử Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, Khu Du lịch Sinh thái Hồ Xuân Khanh, Khu Resort Nghỉ dưỡng năm sao Naman Retreat, Khu Biệt thự Nghỉ dưỡng Siêu Sang Naman Residences và đặc biệt là Tổ Hợp Du Lịch – Giải Trí – Nghỉ Dưỡng Cocobay (Cocobay Đà Nẵng),…

Về cơ cấu sở hữu, hiện nay, Thành Đô là một công ty gia đình tiêu biểu ở Việt Nam. Hai cổ đông lớn nhất của Thành Đô là ông Nguyễn Đức Thành (SN 1956) và Nguyễn Thành Nam  (SN 1986, con trai ông Thành), mỗi người cùng sở hữu xấp xỉ 50%. Trong đó, ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nam là Tổng giám đốc. Tháng 8/2018, Thành Đô từng chuyển người đại diện pháp luật từ ông Nam sang ông Thành.

Chỉ trong hơn 2 năm qua, vốn điều lệ Thành Đô đã được điều chỉnh tăng tới 5 lần, từ 300 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Cụ thể, tháng 8/2017, Empire Group tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng. Chỉ 4 tháng sau, vào tháng 1/2018, vốn điều lệ công ty này tăng tiếp lên 930 tỷ đồng. Đến tháng 9/2018, vốn điều lệ tăng thêm 100 tỷ đồng, lên 1.030 tỷ đồng và ngày 25/9/2018, Empire Group tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng.

Về vị Chủ tịch Nguyễn Đức Thành, những năm 90 của thế kỷ trước, trong lớp doanh nhân từ đầu thời kỳ đổi mới, cùng với các tên tuổi đình đám như Trương Gia Bình, Trần Bá Dương…, Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô (Empire Group) Nguyễn Đức Thành là người tiên phong.

Ông Thành còn là một trong những người sáng lập phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam, từng là Phó chủ tịch Ủy ban lâm thời Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam giai đoạn 1995-1998 (tiền thân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam).

Ông chủ Cocobay từng được giới truyền thông gọi là ông chủ bí ẩn của Cocobay, khi gần như không xuất hiện trong suốt thời gian giữ quyền điều hành Tập đoàn Empire kể từ khi doanh nghiệp này tái cơ cấu, đổi tên vào năm 2016.

Sau thời gian im ắng, ông Thành đã quay trở lại điều hành dự án Cocobay thay cho thế hệ lãnh đạo trẻ. Ảnh: Báo Đầu tư

Trong hội nghị khách hàng ngày 16/11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, khủng hoảng của Cocobay bắt đầu xảy ra từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018.

"Nói chung, dự án gần như bị ngưng trệ hoàn toàn, nguyên nhân chủ yếu do khách quan bởi thủ tục ách tắc, một phần chủ quan do ban lãnh đạo trẻ, ý tưởng tốt, quyết tâm cao nhưng chưa đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để xử lý khủng hoảng”, ông nhận định.

Ông Thành cho biết, đây là lý do chính khiến ông phải bất đắc dĩ quay trở lại điều hành dự án Cocobay thay cho thế hệ lãnh đạo trẻ trước đây, vốn được ông đánh giá là chưa đủ mức độ "lỳ đòn".

Được biết, Dự án khu phức hợp Cocobay nằm trên đường Trường Sa, vị trí giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, có quy mô 31 héc ta, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự án từng cam kết cung cấp cho thị trường các loại hình sản phẩm đa dạng như Condotel, khách sạn và resort với các phân khu gồm: Coco Musica Resort, Sky Villas-Coco Ocean Spa Resort, Coco Wonderland Resort, Cocobay Towers, Coco Ocean Spa Resort, Coco Skyline Resort, Coco Ocean Resort và Boutique Hotel.

Thời điểm triển khai, chủ đầu tư hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao, trong đó đa số là Condotel. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới triển khai và đưa vào vận hành khoảng 3.000 phòng.

Vào hồi tháng 6/2017, dự án này của Empire Group đã bị Thanh tra Bộ xây dựng chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót. Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, chủ đầu tư là Tập đoàn Empire sử dụng tên thương mại Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay để giao dịch, quảng cáo là chưa đúng tên gọi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Không những thế, Empire Group còn bị kết luận là chủ đầu tư có vốn chủ sở hữu thấp hơn tổng mức đầu tư Dự án, khi báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán, ghi nhận vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 289,4 tỷ đồng, thấp hơn 15% tổng mức đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng.

Theo thông báo vừa được chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng phát đi, thì kể từ ngày 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết như trong hợp đồng mua bán Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Phía chủ đầu tư sẽ chỉ chịu trách nhiệm chi trả lợi nhuận đến hết ngày 31/12 năm nay cho các chủ sở hữu Condotel.

Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đưa ra một số nhóm giải pháp để hai bên tiếp tục hợp tác kinh doanh. Cụ thể:

Ở phương án thứ nhất, nếu muốn tiếp tục hợp tác cùng chủ đầu tư, khách hàng sẽ có hai lựa chọn. Một là, các căn Condotel chuyển thành chung cư, tức là khách hàng được dùng để ở. Nhưng họ sẽ phải mất thêm phí chuyển đổi là 15% giá mua căn hộ theo hợp đồng đã ký. Sau khi hoàn tất thủ tục này, chủ sở hữu có thể giao lại cho đơn vị thuộc Công ty Thành Đô vận hành, chia sẻ lợi nhuận.

Nếu khách hàng vẫn giữ dự án là Condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh thì không phải nộp phí chuyển đổi, nhưng không được ở. Cùng với đó, các chủ sở hữu phải ký bản hợp đồng giao cho Công ty Thành Đô vận hành trong 10 năm nhưng trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận. Khách hàng nhận về một mức thu nhập cố định hoặc 80% lãi từ việc kinh doanh sản phẩm này.

Hướng thứ hai mà Thành Đô đưa ra là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán. Theo đó chủ đầu tư sẽ giao lại các sản phẩm Condotel để khách tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không nhận bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký. Các khách hàng nếu tự kinh doanh cũng phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.

Còn phương án thứ ba là hai bên thanh lý các Condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng nêu rõ sẽ khấu trừ một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh.... Việc chi trả tiền của chủ đầu tư sẽ có thời hạn đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10% mỗi năm đối với số tiền đó.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật