Tại Hà Nội, có một địa chỉ khiến những tay anh chị, dù có "cứng" đến mấy, cũng phải "phát sốt phát rét" khi bước chân vào đấy. Đó là Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm - "quả đấm thép" của lực lượng hình sự Thủ đô
Với đám giang hồ cộm cán - những kẻ vô pháp vô luân, quen đứng trên pháp luật và chà đạp lên các giá trị, chuẩn mực của xã hội pháp quyền, thì không dễ gì lấy được ở chúng cảm giác khiếp đảm. Thế nhưng tại Hà Nội, có một địa chỉ khiến những tay anh chị, dù có "cứng" đến mấy, cũng phải "phát sốt phát rét" khi bước chân vào đấy.
Đó là Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm - "quả đấm thép" của lực lượng hình sự Thủ đô trong đấu tranh trấn áp tội phạm. Nhân chén rượu mừng 25 năm ngày khai sinh của Đội, những người lính cựu trào ở đơn vị này say sưa kể lại cho thế hệ đàn em về những trận đánh đã hằn sâu trong tâm khảm của họ.
CBCS Đội CSHS Đặc nhiệm Hà Nội trên đường tuần tra. |
Họ nghĩ gì khi nổ súng?
Tiệc mừng 25 năm Ngày thành lập Đội CSHS Đặc nhiệm, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội đã tề tựu đông đủ những tên tuổi lớn trong nghề, đội viên cựu trào và đương nhiệm của đơn vị này. Cánh lính trẻ ngỡ ngàng, vui khôn tả khi được hầu chuyện bậc đàn anh - những người mà tên tuổi của họ đã gắn liền với chiến công ngỡ như huyền thoại của lực lượng hình sự Thủ đô.
Qua câu chuyện của một chàng lính giãi bày với các "đại ca" trong nghề, tôi biết lý do cậu ta nằng nặc đòi thi vào lực lượng Công an và xin về Đội Đặc nhiệm, bởi từ thuở ấu thơ, đã say mê những chuyện chiến đấu hào hùng của thế hệ vàng CSHS Đặc nhiệm ở ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang.
Lính trận thì muôn đời vẫn thế. Câu chuyện của họ luôn là miền ký ức về những thời khắc đối mặt với tội phạm, trong các cuộc tấn công triệt phá các băng ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, hay lúc truy lùng, bắt giữ những kẻ máu lạnh sử dụng vũ khí nóng uy hiếp người dân, giải cứu con tin, bạo loạn gây rối…
Chuyện hay về Đội CSHS Đặc nhiệm, kể cả ngày cũng không hết, bởi họ luôn làm việc… khó. Và báo giới bấy lâu nay vẫn luôn bám sát họ để cung cấp cho độc giả thông tin nóng sốt về những trận đánh và chiến công vang dội ấy.
Trong tiệc mừng, gặp lại nhiều "nhân chứng" một thời, điều tôi quan tâm lại là những gì đã diễn ra trong đầu họ, khi quyết định hành động tức thời và quyết liệt như đã thấy, để mang lại chiến thắng chung cuộc cho những trận đánh.
Thượng tá Nguyễn Viết Chức (nguyên Đội trưởng Đội CSHS Đặc nhiệm) từng được cả nước biết đến như là người đặt dấu chấm hết cho hành trình đào tẩu của tên bắt cóc Nguyễn Hoàng Tuấn (45 tuổi, quê ở Hưng Hà, Thái Bình), bằng hành động vẩy súng qua lớp kính xe, găm chính xác 1 viên đạn vào cổ y khi đang khống chế cháu bé người Nhật Sugimoto Torahiko (hơn 7 tháng tuổi tại thời điểm đó).
Đành rằng lính Đặc nhiệm võ thuật tinh thông, súng bắn hai tay như một, nhưng… đây lại là một tình huống tác chiến đặc biệt, vì kẻ bắt cóc đang cầm dao ôm giữ cháu bé sát người, ngồi ở hàng ghế sau trong xe taxi, còn ông đang ngồi trên xe máy chạy song song với hung thủ.
Chỉ cần viên đạn đi chệch mục tiêu 1 ly, thì hậu quả sẽ là khôn lường đối với danh dự của Ngành, của đơn vị và sự nghiệp chính trị của cá nhân ông. Câu hỏi của tôi là điều gì đã khiến ông có thể hành động quyết liệt và dứt khoát như vậy.
Vị Thượng tá hồi hưu cười hiền từ, điềm tĩnh như phong cách của ông trong bao năm làm nghề. Ông cho biết đó là "đòn cân não" mà cả cuộc đời trận mạc, ông không thể quên.
Ông kể: "Khoảng 15h30 ngày 20-4-1999, chúng tôi sử dụng xe máy truy đuổi theo chiếc taxi đang chở tên Tuấn và con tin đến khu vực ngã ba Than Muội (Chi Lăng, Lạng Sơn). Phía trước có sự cố giao thông, nên các phương tiện đi chậm lại.
Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần áp sát xe, thuyết phục đối tượng thả người, nhưng y không chấp hành. Lo lắng cho tính mạng cháu bé, vì lúc đó bé cũng đã xỉu đi vì đói và khát, tôi gọi điện xin lệnh tiêu diệt đối tượng và được chuẩn y.
Đầu tiên, tôi dự định đưa chai nước và ra hiệu bảo y cho cháu bé uống nước. Chỉ chờ hắn đưa tay ra mở nắp chai là tôi sẽ nổ súng. Nhưng y đã không làm như tôi dự tính, đành phải tính cách khác.
Thời cơ đến, chúng tôi cho xe chạy song song, áp sát với chiếc taxi, bất ngờ tôi rút súng, nhằm vào đầu tên tội phạm và bóp cò. Tình huống thót tim là viên đạn này bị kẹt. Không để y kịp nhận ra hành động ấy, tôi giật quy lát đẩy văng viên đạn kẹt ra khỏi nòng, nhắm đúng cổ tên bắt cóc vẩy viên thứ 2. Viên đạn trúng mục tiêu, tên Tuấn rũ xuống. Anh Thanh Hùng liền lao tới, bồi thêm viên đạn nữa vào tên tội phạm.
Anh em Đặc nhiệm lập tức mở cửa xe, lao vào bế cháu bé ra ngoài an toàn. Khi quyết định hành động, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là bằng mọi giá phải cứu cháu bé an toàn. Đó là động lực lớn nhất giúp tôi tự tin rút súng và có đường đạn chính xác vào mục tiêu. Nếu chỉ nghĩ về mình, nặng nề chuyện được mất, chắc chắn tay súng sẽ run, thậm chí không rút được súng ra khỏi bụng.
Tên bắt cóc Nguyễn Hoàng Tuấn khống chế cháu Sugimoto Torahiko trong xe taxi trước khi bị bắn hạ. |
Với người lính đặc nhiệm, có lẽ bản lĩnh hay sự tự tin vào năng lực cá nhân… là chưa đủ, mà cần phải có một ý chí quyết tâm vô bờ bến, sẵn sàng đánh đổi tất cả vì tính mạng người dân. Chỉ có điều ấy mới giúp họ đưa ra những quyết định và hành động một cách chính xác nhất, trong những tình huống ngặt nghèo".
Những tiếng nổ khác đã neo đậu trong ký ức lính trận, là của Thiếu tá Nguyễn Sơn (nguyên Đội phó Đội CSHS Đặc nhiệm) và Thiếu tá Lê Khắc Trường (nguyên trinh sát Đặc nhiệm) trong đêm lạnh đại ngàn truy lùng băng sát thủ gây án bằng vũ khí nóng tại phố Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
Thời điểm ấy (năm 2009) tôi may mắn có mặt trong đoàn công tác liên quân trọng án - đặc nhiệm của hình sự Hà Nội lên vùng rừng núi thuộc xã Nậm Mười (huyện Văn Chấn, Yên Bái) để truy bắt dư đảng của băng sát thủ ấy.
Sau một đêm cật lực truy lùng trong rừng, anh em mệt rũ, đang nhờ bà chủ nhà ven đường úp cho bát mỳ tôm, chợt nghe tiếng súng ầm vang núi rừng. Âm thanh va đập vào vách đá tạo thành chuỗi dài không dứt. Tất cả buông bát đũa chạy lên núi. Trước mặt là một hình ảnh hào hùng, Sơn "quạt trần" - (lính hình sự luôn sở hữu những cái "nick" khủng) đang cầm ngang khẩu tiểu liên nòng ngắn đặc dụng trong ánh bình minh đang ló bên triền núi.
"Đó là tràng súng thị uy, rung chà đón cá nhảy, bởi từ lúc 1 giờ sáng khi nghe thấy tiếng động cơ xe máy vọng đến, nhóm sát thủ đã bỏ trốn khỏi lán chạy vào rừng" - Sơn nhớ lại.
Vài phút sau, lại có tiếng nổ "pằng pằng" đâu đây. Cánh đặc nhiệm tai nghe đã quen, biết là "tiếng súng ngắn CZ". Anh em ùa đến và thấy Trường "trắng" đang chĩa súng vào đầu Lê Bá Thành (tức Thành "sứt", ở tập thể Vĩnh Phúc, Ba Đình - tên sát thủ bỏ trốn). "Đó là tiếng súng gọi bạn" - Trường hóm hỉnh giải thích.
Đội CSHS Đặc nhiệm Hà Nội kiểm tra vũ khí trước giờ làm nhiệm vụ. |
Quả đấm thép
Những tiếng nổ vừa kể, chỉ là "lát cắt mỏng" trong hành trình 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của CSHS Đặc nhiệm Thủ đô.
Tiền thân là lực lượng Cảnh sát Đặc biệt F264, Đội CSHS Đặc nhiệm có chức năng phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm giết người - cướp tài sản, cướp có vũ khí, phòng chống các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, côn đồ hung hãn, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê… và các đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm; điều tra các vụ án bắt cóc, giải cứu con tin...
Ngay từ những ngày đầu "nhập cuộc", Đội đã khẳng định vai trò "quả đấm thép" trong đấu tranh trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Tính đến nay, đơn vị đã xác lập, khám phá hàng trăm chuyên án lớn nhỏ, triệt phá hàng trăm ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, trực tiếp bắt, vận động đầu thú hơn 400 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về các hành vi giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Nhiều trận đánh "để đời" của Đội đã đi vào biên niên sự kiện Công an nhân dân, tiêu biểu như việc tiêu diệt tên cướp tiệm vàng Kim Trang ở 30 phố Hàng Đậu vào đêm 29-12-1998.
Trong trận đánh này, đối tượng sau khi dùng súng AK bắn bị thương chủ nhà để cướp tài sản, đã ngoan cố chống trả, bắn lại lực lượng Cảnh sát.
Đội CSHS Đặc nhiệm đã kêu gọi đầu hàng nhưng đối tượng không chấp hành và nổ súng vào con tin.
Trước tình hình đó, CBCS của Đội đã không quản hiểm nguy, xông vào tiêu diệt đối tượng và giải cứu các nạn nhân. Hay cuộc triệt phá băng đảng tội phạm do Dũng "Palestin" cầm đầu, đã gây chấn động dư luận thời điểm năm 2003.
Sự chấn động ấy, trước hết đến từ sự manh động, liều lĩnh của Dũng và đàn em. Trong chưa đầy 1 năm, hàng loạt vụ án dùng xăng đốt nhà, đánh người gây thương tích, hiếp dâm, cướp tài sản, đánh bạc, lừa đảo... do chúng gây ra, đã đẩy người dân vào tâm trạng phấp phỏng, lo âu.
Không để cho tội phạm lộng hành, Đội CSHS Đặc nhiệm đã xác lập chuyên án đấu tranh. Chỉ vài tháng sau, băng đảng tội phạm này bị hốt trọn, với 26 đối tượng lĩnh án. Mở rộng chuyên án, họ đã bắt thêm một số băng nhóm tội phạm nguy hiểm khác hoạt động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trong đó có băng do Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn "con") cầm đầu, bắt giữ 27 đối tượng; băng của Dũng "Bóng nhựa" cũng bị "hốt" với 10 tên cộm cán sa lưới pháp luật.
Thật khó kể cho hết những chiến công hiển hách của Đội trong đấu tranh trấn áp tội phạm, nhưng có những con số "biết nói" đã thay cho mọi lời giải thích.
Trên chặng đường 25 năm ấy, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý "Anh hùng LLVTND" vào năm 2009; 16 Huân chương Chiến công các loại cho 7 lượt tập thể và 9 cá nhân; 1 tập thể và 11 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 52 Bằng khen của Bộ Công an cho 11 lượt tập thể và 43 cá nhân; 33 Bằng khen của UBND thành phố, Tổng cục Cảnh sát, Ban chỉ đạo 197…