Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gần 2.000 ngày truy bắt tội phạm triệu đô Giang Kim Đạt

(DS&PL) -

Phạm tội, bỏ trốn và bị truy nã - cuộc trốn chạy ấy của Giang Kim Đạt không khác nhiều các đối tượng phạm tội hình sự, ma túy...

Phạm tội, bỏ trốn và bị truy nã - cuộc trốn chạy ấy của Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) không khác nhiều các đối tượng phạm tội hình sự, ma túy.

Song với lực lượng tầm nã, việc truy bắt Giang Kim Đạt còn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng khác, là thực hiện bằng được niềm tin mà các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo, gửi gắm: Tội phạm tham nhũng không thể thoát, dù có trốn ở chân trời, góc bể.

Chiều 22-2-2017, TAND TP Hà Nội đã tuyên 2 án tử hình đối với Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) và Giang Kim Đạt, trong vụ án tham ô 260 tỷ đồng. Ít ai biết rằng, để “điệu cổ” được bị cáo Giang Kim Đạt ra trước vành móng ngựa, lực lượng An ninh của Bộ Công an đã phải ròng rã gần 2.000 ngày đêm.

Giang Kim Đạt trước vành móng ngựa.


Áp lực của những người phá án

Tháng 8-2012, vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khép lại sau phiên tòa phúc thẩm. Các bản án có hiệu lực thi hành đối với Phạm Thanh Bình và đồng phạm.

Nhớ lại thời điểm trước đó 2 năm, chính xác vào trung tuần tháng 7-2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu phạm tội: Thiếu tinh thần trách nhiệm; cố ý làm trái; có biểu hiện vụ lợi cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội.

Gần 1 tháng sau đó, Cơ quan An ninh của Bộ Công an đã xác lập chuyên án điều tra. Thận trọng, kiên trì, sắc bén, khách quan, quá trình điều tra, CQĐT của Bộ Công an phối hợp với một số đơn vị, địa phương đã ra quyết định khởi tố 12 vụ án, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.

Cho đến tận bây giờ, “Vụ án Vinashin” gần như được định danh - “tiêu biểu” - của sự móc ngoặc, ăn chia, gây thất thoát số tiền, tài sản cực lớn của Nhà nước liên quan đến các quan tham. Hành vi, tính chất, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng gây bức xúc dư luận và cũng đặt ra áp lực cực lớn với các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

“Vụ án Vinashin” khép lại “chương” quan trọng nhất, trong đó bị cáo Phạm Thanh Bình bị phạt 20 năm tù, phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỉ đồng; Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Viễn dương Vinashin bị tuyên phạt 19 năm tù, buộc bồi thường hơn 495 tỉ đồng... Song, với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, vụ án khép lại nhưng còn phải truy bắt các đối tượng vẫn ngoài vòng pháp luật, truy thu tài sản tham nhũng. Trong số đó đặc biệt phải kể đến chuyên án bắt giữ Giang Kim Đạt.

Kẻ trốn truy nã và những mối quan hệ ngoài biên giới

So sánh cái ngày mà Giang Kim Đạt phải ra trước vành móng ngựa (16-2-2017), sau gần 2.000 ngày trốn truy nã và thời điểm cựu Trưởng phòng của Vinashinlines bị dẫn giải từ nước ngoài về Việt Nam, thật khó để nhận ra đó chỉ là… một con người. Ngoài điểm chung duy nhất là cặp kính cận, còn lại trước đó là một Giang Kim Đạt da trắng mặt trơn, giờ là một Giang Kim Đạt tiều tụy, tóc bạc, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình thản trước hội đồng xét xử.


Sinh năm Đinh Tỵ 1977, quê quán Thái Thụy, Thái Bình, Giang Kim Đạt có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TP.HCM. Quá trình điều tra mở rộng vụ án Vinashin, CQĐT xác định Giang Kim Đạt có hành vi cố ý làm trái quy định quản lý của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, “rút ruột” trong thương vụ mua tàu Hoa Sen. Tội trạng và độ liều của Giang Kim Đạt đã được làm rõ nét hơn, qua phiên xét xử trung tuần tháng 2 vừa rồi.

Thời điểm những dấu hiệu tội phạm lộ diện, Giang Kim Đạt tỏ rõ sự khôn ranh khi dường như “đánh hơi” được sự vào cuộc của CQĐT, lập tức bỏ trốn. Ngày 23-8-2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã đối tượng. Ngay khi có thông tin cựu Trưởng phòng Vinashinlines trốn ra nước ngoài, CQĐT đã gửi thông báo truy nã đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), đề nghị phối hợp truy bắt.

Một thành viên trong Ban chuyên án truy lùng Giang Kim Đạt nhớ lại, dường như ý thức được hành vi phạm tội và cái giá phải trả, nên Giang Kim Đạt đã chuẩn bị tâm lý, lộ trình lẩn trốn hết sức tỷ mỉ, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thông tin về “điểm đến” của đối tượng, trong thời gian dài, hầu như ban chuyên án không thu được gì nhiều. Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… - hàng loạt quốc gia ấy, lúc nào cũng thấp thoáng bóng dáng Giang Kim Đạt. Điều này về sau được lý giải: Có tiền, Giang Kim Đạt đủ sức tạo được những mối quan hệ ở ngoài biên giới, từ đó nương tựa sự giúp đỡ trong quá trình chui lủi trốn truy nã. Nhiều trong những mối quan hệ ấy, có cả những cô gái trẻ “yêu” tiền của cựu Trưởng phòng Kinh doanh…

Ăn mì tôm mò manh mối tội phạm triệu đô

Càng lần theo dấu vết tội phạm của Giang Kim Đạt, Ban chuyên án bắt đầu thu được những thông tin hết sức giá trị. Đó là số tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đồng, đứng tên người thân gia đình của Giang Kim Đạt. Đáng chú ý, một trong những người thân của Giang Kim Đạt liên quan đến nguồn tiền khổng lồ, chính là bố đẻ anh ta, Giang Văn Hiển (SN 1950, cũng là bị cáo vừa bị đưa ra xét xử về tội rửa tiền). Quá trình xác minh, Ban chuyên án làm rõ dòng tiền đổ vào tài khoản của Giang Văn Hiển được chuyển từ nước ngoài. Đây chính là một trong những tài liệu, chứng cứ quan trọng để buộc tội bố con Đạt - Hiển trong quá trình điều tra, xét xử về sau này.

Ngày 14-1-2015, Viện KSND Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của CQĐT đối với Giang Kim Đạt về tội danh tham ô tài sản. Một ngày sau, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Giang Văn Hiển để điều tra về tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm, đồng thời tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên khoảng 40 bất động sản trên toàn quốc. Ngày 23-1-2015, Giang Kim Đạt được “bổ sung” quyết định truy nã đỏ quốc tế, tội danh tham ô tài sản.

Tiến độ điều tra, truy bắt được tăng cường quyết liệt cho đến khoảng tháng 6-2015, nguồn tin Ban chuyên án thu thập được cho thấy, Giang Kim Đạt đang yên vị tại một căn hộ cao cấp ở Singapore, có giá lên đến 3,6 triệu USD. Cùng thời điểm này, nguồn tin cho biết, đối tượng đang có ý định tiếp tục trốn chạy. Lập tức, phương án bắt giữ đối tượng được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xây dựng, thống nhất với Interpol và nhà chức trách nước sở tại. Một tổ công tác của đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an lên đường sang Singapore, mà khi ấy: “Việc đi đâu, làm gì, bao giờ về, được chúng tôi giữ bí mật ngay cả với chính người thân”, một thành viên Ban chuyên án bắt giữ Giang Kim Đạt nhớ lại.

Thời gian không quá dài ở nước bạn, nhưng cho đến giờ, với từng thành viên Ban chuyên án nhớ nhất vẫn là những kỷ niệm, khó khăn về sự bất đồng ngôn ngữ, điều kiện tác nghiệp hạn chế cũng như việc xác minh các mối quan hệ của đối tượng. Vali công tác ém chặt… mì tôm, phở ăn liền, liên tục rong ruổi ở nước bạn để rà tung tích kẻ trốn truy nã đỏ. Những vất vả ấy đã được đền bù xứng đáng. Ngày 7-7-2015, sau 1.825 ngày đêm kiên trì truy lùng, nhiệm vụ đặc biệt đã được Ban chuyên án hoàn thành xuất sắc - hành trình bắt giữ Giang Kim Đạt đã kết thúc.

Tin nổi bật