Theo Tiền Phong đưa tin, sáng 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tuần qua đã nhận được tin báo của Trung tâm y tế Quận 10 về số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại trường Tiểu học Võ Trường Toản. Ngay sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 thực hiện điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám cho các trẻ.
Nhà trường cần phối hợp với gia đình nhanh chóng phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm A/H1N1. Ảnh: Báo Tiền Phong
Chùm ca bệnh tại trường ghi nhận trong 2 ngày từ ngày 15 đến 16/03/2023 số học sinh nghỉ học vì bệnh trong một lớp tăng cao bất thường. Có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Có những học sinh sốt đến 39℃.
Qua thăm khám cho các học sinh có triệu chứng, các bác sĩ nhận định ban đầu nghi ngờ các trẻ mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm. Mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Pasteur TPHCM để tiến hành phân lập. Đến ngày 17/3/2023, kết quả cho thấy 6/6 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Tính từ ngày 17/3 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.
Trước đó, ngày 23/2 trên địa bàn thành phố đã phát hiện điểm dịch tại hai Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh, khiến số học sinh nghỉ học tăng cao bất thường.
Triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nôn, ói…
Các chuyên gia nhi khoa nhận định nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là do nhiễm siêu vi hô hấp khá thường gặp ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ, tự khỏi và không cần nhập viện.
Trả lời báo Tuổi trẻ về thông tin xuất hiện nhiều ổ dịch về hô hấp tại các trường học gần đây bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết: “Những chùm ca bệnh tương tự thường xuyên xảy ra trong năm, trong đó có nhiều tác nhân gây ra như: cúm A (H1N1), adenovirus...
Trường học nào nếu thấy nhiều học sinh xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cần phải báo cáo ngay cho y tế địa phương để chủ động giám sát. Việc xuất hiện chùm ca viêm hô hấp trong thời gian tới là hoàn toàn có khả năng.
Điều quan trọng nhất, nếu nhà trường giám sát chặt học sinh, phát hiện kịp thời để tổ chức kiểm soát theo hướng dẫn của ngành y tế thì sẽ không lây lan. Nếu trường học báo cáo trễ chắc chắn sẽ lây lan ổ dịch", bà Nga cho hay.
Để giảm thiểu nguy cơ bùng dịch, phụ huynh nên chủ động cho con đi tiêm ngừa các bệnh đã có vắc xin như cúm, thủy đậu, quai bị…, tiếp đến là sự theo dõi sát sao và đáp ứng kịp thời của ngành y tế, nhanh chóng phát hiện khoanh vùng điều trị tránh lây lan diện rộng. Kiểm soát lây lan phải thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế. Ngoài ra giáo viên chủ động về sĩ số học sinh, đối với trường hợp nghỉ học cần liên hệ phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân và có báo cáo chi tiết với nhà trường nhằm có hướng giải quyết kịp thời.
Thùy Dung (t/h)